Doanh nghiệp ô tô Nhật tính rời Việt Nam: Vì đâu nên nỗi?

BizLIVE - 16/02/2017 2:12:44 CH


JETRO cho biết, một số doanh nghiệp ô tô Nhật đang tính tới việc chuyển từ Việt Nam sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia...

Doanh nghiệp ô tô Nhật tính rút khỏi Việt Nam?


Hôm 14/2 vừa qua, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết một số hãng ô tô Nhật Bản có thể sẽ chuyện rút khỏi Việt Nam.


Với sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đang tính tới việc chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia...


Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật đang đầu tư là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki… Tuy nhiên, vị trưởng đại diện JETRO không tiết lộ cụ thể doanh nghiệp nào có thể sẽ rút đầu tư.


Việc doanh nghiệp ô tô Nhật không còn “mặn mà” với Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã từng bày tỏ lo ngại sau 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.


Các doanh nghiệp Nhật cho biết, sản lượng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn quá nhỏ bé so với Thái Lan và Indonesia. Do vậy, khi các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam tiến hành nội địa hóa nhiều hơn nữa khi sản lượng còn nhỏ thì phần lớn sẽ làm tăng chi phí. Vì lý do đó, hiện nay các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện CKD (Completely Knocked Down: Xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu).


Doanh nghiệp Nhật cho rằng, do nhập khẩu phần lớn linh kiện CKD, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, hơn nữa họ còn phải đóng thuế nhập khẩu linh kiện. Vì vậy chi phí sản xuất ô tô tạo Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.


Thực tế cũng cho thấy dòng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia có mức giá khá rẻ. Tổng cục Hải quan cho biết năm 2016, giá ôtô nhập khẩu bình quân từ Indonesia về đến cảng của Việt Nam chỉ có 289 triệu đồng/chiếc, Thái Lan là 407 triệu đồng/chiếc.


Giá thành cạnh tranh là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của xe Thái, Indonesia. Năm 2016 xe nhập từ Thái chiếm tới hơn 30% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này (34.336 chiếc với giá trị là 640,75 triệu USD).


Sang tháng 1/ 2017, Việt Nam tiếp tục là sân chơi của xe giá rẻ của các thị trường ASEAN với hơn 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước. Trong đó, riêng nhập khẩu ôtô từ Indonesia tăng đột biến khi đạt 1.823 chiếc, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 1 chiếc. Còn lượng xe xuất xứ từ Thái Lan đạt 1.585 chiếc, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.


Chuyên gia nói gì?


Hiện nay, sản xuất ô tô trong nước đang được bảo hộ bởi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc ở mức cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật lo ngại sau 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.


Đứng trước thực trạng trên, tại Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã gửi tới 2 Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương đề xuất liên quan tới việc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô trong nước nhằm cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất tại Việt Nam.


Cụ thể, nhằm giảm thuế nhập khẩu linh kiện để giúp các nhà sản xuất cắt giảm chi phí sản xuất, JBAV đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD theo hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Việt Nam - Nhật bản về 0% từ 2018.


Nói với BizLIVE, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng đề xuất giảm thuế là hợp lý cần được xem xét. Tuy nhiên, ông Long không đồng tình kiến nghị Việt Nam kiểm soát nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN của JETRO đưa ra mới đây. Bởi theo ông, ngành này bấy lâu nay vẫn được bảo hộ quá nhiều. Sự "nuông chiều" làm ngành công nghiệp này không "lớn" được.


"Chúng ta có thể tính tới việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện nhưng các quy định, các cam kết thương mại được đưa ra thì cần được tuân thủ đúng quy định", ông Long nói.


Vẫn theo ông Long, hiện dung lượng thị trường Việt Nam rất thấp ví dụ dung lượng hiện nay đang là khoảng 200.000 xe/năm mà trong khi Thái Lan là 1,2 triệu xe/năm, Indonesia là 1 triệu xe/năm. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá thành sản xuất lại cao thị các doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh được.


Đó là lý do theo ông Long, hiện nay nhiều nhà đầu tư vào ngành công nghiệp này đã không còn chú trọng vào phát triển sản xuất mà chuyển sang nhập khẩu. Thậm chí có rút khỏi thị trường cũng là điều tất yếu.


Tuy nhiên, theo ông Long, việc ai đi, ai ở không quan trọng bằng việc xây dựng chính sách làm sao đảm bảo được lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính sách không phù hợp là một trong những yếu tố chính kìm hãm sức phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

N.MẠNH

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan