Doanh nghiệp từng ‘ngang cơ’ với Hòa Phát giờ ra sao?

Thời báo kinh doanh - 21/02/2024 8:45:04 SA


Thép Pomina từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn cả Tập đoàn Hoà Phát. Đến nay, vị trí đã đổi ngôi khi doanh nghiệp này liên tục đi lùi, nếu như không muốn nói là kinh doanh bết bát.

Tính đến hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp có số cổ đông nhiều nhất sàn chứng khoán. Tại thời điểm cuối tháng 3/2023, Hòa Phát ghi nhận 179.108 cổ đông, tăng khoảng 20.000 cổ đông so với năm trước. Điều này khiến HPG được mệnh danh là "cổ phiếu quốc dân".

Sao đổi ngôi

Sau khoảng thời gian “khủng hoảng” khi cổ phiếu bị giảm sâu do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh kém sáng, từ đầu năm 2023, cổ phiếu HPG đã bắt đầu ghi nhận diễn biến tương đối khởi sắc cùng “sức khỏe” doanh nghiệp cho thấy tín hiệu hồi phục rõ nét, khi số liệu có xu hướng tăng trưởng qua từng quý và đạt mức tốt nhất vào quý IV, ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tính từ đầu tháng 11/2023, cổ phiếu HPG đã tăng 27%, qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 21 tháng trở lại đây. Với thị giá 29.200 đồng/cp như hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của Hòa Phát tương khoảng 170.000 tỷ đồng, tăng 36.000 tỷ sau khoảng hơn 3 tháng. Mức vốn hóa này đã đưa doanh nghiệp đầu ngành thép xếp thứ 7 trong danh sách các doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán.

Thép Pomina ngày càng kinh doanh thụt lùi. 

Chiều ngược lại, Thép Pomina (POM) tiếp tục nối dài chuỗi khủng hoảng khi kinh doanh bết bát trong năm 2023. Trong quý IV/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 333 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 313 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 459,4 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 960 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.166,9 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina là 1.271 tỷ đồng, bằng 45% vốn chủ sở hữu.

Thành lập từ cuối thập niên 2000, Pomina là một trong ba chuỗi nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất mỗi năm là 1,1 triệu tấn thép xây dựng và 1,5 triệu tấn phôi. Đây từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất khi chiếm gần 30% thị phần thép cả nước, là đối thủ ngang cơ của Hòa Phát và là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại khu vực phía Nam.

Ngược quá khứ, đã từng có lúc Pomina kinh doanh bùng nổ, với lãi ròng mỗi năm lên tới 400-650 tỷ đồng như giai đoạn năm 2008-2011 và 2016-2018. Tuy nhiên, vốn là ngành mang nặng tính chu kỳ, hậu giai đoạn bùng nổ cũng là lúc kết quả kinh doanh của Pomina cực kỳ ảm đạm, lỗ nặng đến hòa vốn.

Lần kết quả kinh doanh khởi sắc gần nhất của Pomina diễn ra vào năm 2021 trong bối cảnh ngành thép bước vào giai đoạn cực kỳ thuận lợi và các doanh nghiệp thép thi nhau báo lãi. Tuy nhiên, chỉ ngay năm sau, khi ngành thép bước vào chu kỳ khó khăn, Pomina lỗ kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng, với giá thép lao dốc và nhu cầu tiêu thụ cực kỳ ảm đạm. Không chỉ vậy, nguyên nhân còn đến từ chi phí vận hành lò cao ngất ngưởng.

Cổ phiếu POM khó vượt qua “cơn bĩ cực”

Thua lỗ nặng, Pomina phải đóng lò cao trong năm 2022 nhưng trong thông báo mới đây, doanh nghiệp sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 3/2024 với nội dung xoay quanh việc tái cấu trúc công ty. Đáng chú ý là kế hoạch tăng vốn đầu tư để mở lò cao tại nhà máy thép Pomina 3, dù vừa phải dừng kế hoạch phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư Nansen Nhật Bản.

Việc ngừng phương án chào bán riêng lẻ của Thép Pomina khiến giới đầu tư hoài nghi về khả năng tái cấu trúc của doanh nghiệp này, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2023 của Pomina chìm trong thua lỗ.

Mặt khác, trong bối cảnh kết quả kinh doanh lao dốc thì người nhà của lãnh đạo Pomina lại liên tục bán ra cổ phiếu.

Mới nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT công ty đăng ký bán ra toàn bộ hơn 8,1 triệu cổ phiếu POM nhằm mục đích đầu tư, thời gian từ ngày 23/2 - 22/3/2024.

Trước đó, từ ngày 22/11 - 15/12/2023, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, lượng giao dịch thực là 3,38 triệu cổ phiếu, tương đương 96,7% tổng lượng đăng ký. Sau giao dịch, bà Nguyệt còn sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,43% vốn điều lệ.

Vừa kết thúc giao dịch trên, bà Nguyệt đã lại đăng ký bán ra nốt 1,2 triệu cổ phiếu POM còn lại. Thời gian giao dịch diễn ra từ ngày 21/12/2023 đến hết ngày 4/1/2024.

Không chỉ vậy, trong thời gian qua, nhiều người thân trong gia đình của Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã liên tiếp thoái vốn khỏi Pomina. Song song đó, giá cổ phiếu POM liên tiếp giảm từ đỉnh 7.800 đồng/cp hồi cuối tháng 7. Chốt phiên giao dịch ngày 20/2/2024, giá cổ phiếu POM chỉ còn 5.420 đồng/cp, tương đương mức giảm hơn 30%.

Nhìn chung, ngoài áp lực từ hoạt động kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu POM còn chịu áp lực từ làn sóng bán tháo của người thân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp.

Chưa kể trong thông báo về việc lưu ý công ty về khả năng hủy niêm yết, HoSE cho biết cổ phiếu POM đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Trường hợp công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán năm 2023, cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết.

Do đó, việc cổ phiếu POM có thể vực dậy vẫn là điều khó có thể kỳ vọng, khi mà vẫn có khá nhiều vấn đề kém tích cực xoay xung quanh “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Hải Giang

Các tin liên quan