Lo ngại hiện tượng vàng hóa, USD hóa nền kinh tế

Thời báo kinh doanh - 30/05/2024 8:53:09 SA


Vàng và USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kìm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua bán trong xã hội.

Ngày 29/5, thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội  Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) băn khoăn nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội chưa đạt được theo kỳ vọng đặt ra.

“Trong những tháng đầu năm, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có các gói hỗ trợ kích cầu, phát triển thị trường trong nước, tăng sức mua góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, đại biểu đề nghị.

Đặc biệt, theo đại biểu, trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD, giá dịch vụ hàng không dẫn đến một số tác động tiêu cực.

Theo đại biểu Quốc hội, trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD, giá dịch vụ hàng không.

“Vàng và USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kìm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua bán trong xã hội”, bà Thuỷ nhìn nhận.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) cho rằng trước áp lực lạm phát quay trở lại và dai dẳng, trong thời gian qua, lãi suất cho vay của các ngân hàng với các doanh nghiệp giảm khá tốt, tuy nhiên đà giảm hiện tại có dấu hiệu chững lại và sẽ có khả năng tăng lên. Như vậy, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khó có thể nới lỏng được hơn nữa, mà thay vào đó sẽ chặt chẽ, chắc chắn hơn để đề phòng áp lực tỷ giá và lạm phát quay trở lại.

“Do đó, cần phải có những chính sách ngành và các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ trực tiếp các nhóm ngành nghề như dệt may và các sản phẩm mang tính chất quan trọng, trọng yếu của nền kinh tế mà không gây nên áp lực tăng giá, ví dụ như lương thực và một số dịch vụ công như giáo dục và y tế”, bà nói. Đồng thời kiến nghị NHNN cũng cần rà soát lại những khoản vay cũ chịu lãi suất cao của các doanh nghiệp vẫn phải chịu dẫn đến khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) lo ngại sẽ có nguy cơ “chảy máu ngoại tệ” nếu lãi suất tiền gửi USD vẫn ở mức 0%.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực huy động các nguồn lực, với mục tiêu huy động 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển là một nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, cần có giải pháp huy động ngoại tệ trong dân.

Bởi theo ông, hiện nay, lượng kiều hối của dân rất lớn, một năm hơn 20 tỷ USD. Thực tế, người dân giữ USD luôn xem NHNN điều hành tỷ giá trung tâm như thế nào để có phương án sử dụng, nắm giữ.

"Trường hợp nếu tỷ giá trung tâm càng tăng thì người dân càng găm giữ USD, trong khi các nước xung quanh tăng lãi suất USD thì chúng ta cũng nên nghĩ liệu có tình trạng chảy USD của ta từ trong nước ra nước ngoài hay không? Bởi nếu lãi suất huy động USD của ta là 0% thì các nước xung quanh, nhất là Mỹ đã tăng 5,5%/năm", đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Sơn, Chính phủ nên tính toán huy động nguồn lực, kể cả nội tệ và ngoại tệ để đầu tư phát triển thì sẽ có nhiều nguồn lực. Bởi thay vì đi vay nước ngoài, cũng là USD thì người dân có nhiều USD nên Chính phủ cần quan tâm nguồn lực này.

Với định hướng giảm bớt tình trạng USD hoá trong nền kinh tế nhằm hạn chế những bất ổn do thị trường ngoại hối gây ra, NHNN đã giảm dần trần lãi suất huy động USD (1% với cá nhân; 3% với tổ chức) về chỉ còn 0% đối với cả tổ chức lẫn cá nhân kể từ 18/12/2015.

Thanh Hoa-Link gốc

Các tin liên quan