CEO ACV hé mở khả năng chia cổ tức tăng vốn trong tháng 6 hoặc 7

Nhà đầu tư - 31/05/2024 3:10:00 CH


ACV không chia cổ tức từ 2019, lợi nhuận tích lũy được đạt 21.192 tỷ đồng đến cuối năm. Thủ tướng ủng hộ phương án ACV chia cổ tức tăng vốn để giữ lại lợi nhuận đầu tư dự án trọng điểm.
 
 
Kể từ đợt chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 9% vào cuối năm 2019, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) đã không chia cổ tức nữa và nguồn tiền tích lũy tính đến cuối năm 2023 đạt 21.192 tỷ đồng (sau trích lập các quỹ), gần tương đương vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng.
 
Theo tờ trình phương án trích lập quỹ năm 2023 và phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, vấn đề chia cổ tức vẫn còn bỏ ngỏ. ACV cho biết hiện vẫn chờ ý kiến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua nội dung phân phối lợi nhuận còn lại.
 
Do vậy, vấn đề chia cổ tức ra sao và khi nào chia được nhiều cổ đông yêu cầu lãnh đạo ACV trả lời tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2024 diễn ra sáng ngày 31/5.
 
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc cho hay với nguồn tiền không chia cổ tức tích lũy kể từ 2019 đến nay, tổng công ty đã báo cáo cấp thẩm quyền và cấp thẩm quyền cũng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm sửa Nghị định 140. Qua đó, ACV có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận để đầu tư các dự án trọng điểm.
 
“Thủ tướng Chính phủ ủng hộ phương án này, thủ tục lấy ý kiến các cấp sửa đổi Nghị định đang được tiến hành. Chúng tôi hy vọng trong tháng 6 và 7 Nghị định được ban hành và sẽ có báo cáo cổ đông yên tâm”, ông Phiệt chia sẻ.
 
Liên quan đến vấn đề niêm yết HoSE, CEO tổng công ty cho biết sẽ triển khai thủ tục khi đủ điều hiện. Hiện nay, ACV vẫn còn vướng ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán liên quan đến quyết toán cổ phần hóa và một số tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao quản lý, sử dụng, khai thác.
 
Tương tự, với vấn đề thoái vốn Nhà nước cũng chưa có phương án và sẽ bàn sau năm 2025. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang sở hữu 95,5% vốn tại ACV.
 
Về hoạt động kinh doanh, năm nay, tổng công ty đặt ra mục tiêu tổng doanh thu 20.325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 6% so với thực hiện 2023.
 
Ông Phiệt đánh giá lĩnh vực hàng không đã có điểm sáng nhất định, khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi. Trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế tăng vượt kỳ vọng (tăng 14 – 15%) nhưng quốc nội giảm rất sâu (giảm 17%), tổng lượng hành khách giảm khoảng 2%.
 
Tổng công ty có 2 mảng kinh doanh chính gồm cung cấp dịch vụ hàng không (hạ cất cánh, phục vụ mặt đất, hành khác, an ninh…) và phi hàng không (cho thuê mặt bằng, quảng cáo, sử dụng hạ tầng nội cảng…). Mảng dịch vụ hàng không vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến trên 80%. Ông Phiệt cho biết tổng công ty muốn phát triển mảng phi hàng không hơn, chuyển hưởng từ không đơn thuần cho thuê mặt bằng mà chia sẻ doanh thu lợi nhuận, đồng thời dự kiến sẽ chuyển một số mảng kinh doanh trực tiếp sang nhượng quyền khai thác.
 
Về hoạt động đầu tư, ACV tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3, nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - Cảng hàng khlong quốc tế Nội Bài, nhà ga T2 Cát Bi, nhà ga T2 Đồng Hới…
 
Trong đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai từ tháng 8/2023 đến nay đều đạt hoặc vượt các mốc tiến độ đề ra. Tổng Giám đốc cho biết ACV quyết tâm đưa dự án vào khai thác từ tháng 9/2026, được chia sẻ 90% chuyến bay quốc tế từ sân bay Tân Sơn Nhất. Với tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế và không có thay đổi bất thường, dự án được kỳ vọng có lợi nhuận ngay 1 đến 2 năm đầu đi vào vận hành.
 

Các tin liên quan