Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 2/4 (giờ địa phương) đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Biểu đồ được ông Trump giơ cao khi phát biểu tại Nhà Trắng, cho thấy Mỹ sẽ áp thuế đối ứng 46% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49%).
Tại Chương trình Cafe cùng Chứng khoán sáng ngày 3/4, bình luận về thông tin Mỹ áp thuế 46% lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng hiện vẫn chưa có các thông tin chi tiết về việc áp thuế, đâu đó phải khoảng 1-2 tuần nữa mới diễn ra, danh sách mặt hàng vẫn chưa rõ và vẫn cần thêm thông tin để xem những mặt hàng nào bị ảnh hưởng.
Nhìn một cách rộng hơn, cách đây vài ngày đại diện thương mại Mỹ đưa ra ước tính cho thấy số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ khá lớn. Vì vậy, các nhà đầu tư đã biết được số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế mới của Chính quyền Trump. Tuy nhiên, điểm bất ngờ là những con số vừa công bố cao hơn nhiều dự báo trước đó, với Việt Nam mức thuế đối ứng áp dụng là 46%.
"Tôi nghĩ rằng bây giờ đi sâu vào đánh giá ảnh hưởng với kinh tế Việt Nam thì có thể tác động rất lớn. Câu chuyện ở đây nếu tính theo góc nhìn của một nhà kinh tế học thì xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ hiện nay khoảng 120 tỷ USD, nếu tính giá trị gia tăng vào khoảng 30% thì tương ứng khoảng 36 tỷ USD. 36 tỷ USD này nếu chia cho tổng GDP của Việt Nam sẽ ra khoảng 7,5%. Trong trường hợp xấu nhất (dừng xuất khẩu sang Mỹ) ảnh hưởng ban đầu đâu đó sẽ khoảng 7% GDP. Trong khi, các ước tính trước đó, thuế suất bị áp dụng thấp (khoảng 10-15%) thì dự báo tác động đến GDP của Việt Nam chỉ từ 1-1,5% nhưng trong trường hợp này con số sẽ cao hơn", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, con số cũng không có ý nghĩa lắm vì câu chuyện ở đây rộng hơn thế bởi khi các chính sách này được đưa ra thì không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới.
"Việc suy thoái của nền kinh tế thế giới là điều khó có thể tránh khỏi. Lúc này việc tính toán của chúng ta sẽ nhìn ở góc độ rộng hơn, đâu đó có thể nhìn thấy ảnh hưởng có thể so sánh với các giai đoạn suy thoái trước đây của kinh tế thế giới hay những thời điểm nhất định khi xảy ra đại dịch COVID-19", ông Hưng cho biết thêm.
Dù vậy, vẫn có điểm có thể xem là tích cực, đó là mức thuế 46% đối với Việt Nam hay 34% với Trung Quốc giống như một mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán với chính quyền của Tổng thống Mỹ về các chính sách mà sau đó các mức thuế trần này có thể giảm xuống. Nó không có nghĩa đây là mức thuế sẽ áp dụng mãi mãi.
Hơn nữa, Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất đã làm được rất nhiều việc trong thời gian vừa rồi để thể hiện thiện chí của mình trong xử lý các mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, như Việt Nam đã giảm thuế với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và có thể kỳ vọng còn nhiều chính sách hơn; hay các chính sách đến các ngành cụ thể như cho phép Starlink hoạt động, có bản dự thảo nghị định kiểm soát thương mại chiến lược (bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại và đầu tư)…
“Tóm lại ảnh hưởng trong ngắn hạn là có nhưng trong dài hạn tôi cho rằng mức thuế này sẽ kéo dài hàng năm với các quốc gia mà sẽ có sự bình thường hóa và sẽ có những đàm phán giữa hai quốc gia và mức thuế với Việt Nam sẽ không phải 46% nữa, có thể thấp hơn, thậm chí về 10%. Giống như mọi cuộc chiến tranh thương mại khác, Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng này”, ông Hưng nhận định.
Cũng theo chuyên gia của SSI, đúng là mức thuế 46% này cao hơn so với ước tính trước đó (chỉ khoảng 10%). Cho nên nếu mức thuế này xảy ra và kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn như đã nêu ở trên (tác động từ 7-7,5% GDP). Đó là trong kịch bản siêu xấu khi chúng ta không xuất khẩu sang Mỹ nữa, tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra.
Về tác động đến thị trường chứng khoán, báo cáo sáng nay của SSI Research nhận định “tin xấu có thể là tin tốt”, đây không phải lạc quan thái quá. Khi câu chuyện đến mức này rồi thì các hành động tiếp theo từ phía Chính phủ có thể mạnh hơn để giải quyết được vấn đề này, chứ không thể để ảnh hưởng đến đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam lại có thể kéo dài được.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro thương mại thuế quan đối với Việt Nam lớn nhất, do đó họ đang chờ đợi và lần này đang thể hiện xấu nhất, nên có thể các nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào Việt Nam được rồi vì khi xem xét phản ứng của thị trường biến động như thế nào, các nhóm ngành nào thậm chí có vùng định giá còn thấp hơn so với trước là có thể giải ngân được.