Theo thống kê sơ bộ của VASEP, khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển sang Mỹ; 31.500 tấn hàng dự kiến xuất trong tháng 4-5 và thêm 38.500 tấn đã ký hợp đồng cho năm 2025 đang đối diện nguy cơ bị đánh thuế cao bất ngờ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cú đòn thuế quan từ Mỹ với mức áp 46% lên hàng hóa Việt Nam – được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 3/4/2025 – đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất khẩu thủy sản.
Hàng chục nghìn tấn thủy sản "trên đường đến Mỹ" có thể bị đánh thuế gấp 9 lần
Ngay sau sự kiện này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn khẩn đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, cảnh báo ngành thủy sản đang “đứng trước nguy cơ mất thị trường lớn nhất” chỉ trong vòng vài ngày tới.
Theo thống kê sơ bộ của VASEP, tại thời điểm ông Donald Trump thông báo số liệu áp thuế cụ thể, khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển sang Mỹ; 31.500 tấn hàng dự kiến xuất trong tháng 4-5 và thêm 38.500 tấn đã ký hợp đồng cho năm 2025 đang đối diện nguy cơ bị đánh thuế cao bất ngờ.
Nếu Mỹ áp thuế theo ngày cập cảng (sau 9/4), toàn bộ lượng hàng đang vận chuyển có thể chịu mức thuế nhập khẩu 46% thay vì 0-7% như hiện tại. Trong phương thức giao hàng DDP (doanh nghiệp Việt chịu toàn bộ chi phí giao tận tay đối tác Mỹ), điều này có thể phá vỡ toàn bộ kế hoạch tài chính.
Một ví dụ điển hình được VASEP nêu: Một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chỉ chịu thuế 25.000 USD (5%) nhưng nếu bị áp thuế 46% sẽ phát sinh chi phí thuế tới 230.000 USD – tăng gấp 9 lần và khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng.
>> Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm trực tiếp với Tổng thống Trump: 'Việt Nam muốn thuế quan về 0%'
Thủy sản Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh, nguy cơ mất thị trường số 1
Không chỉ thiệt hại về chi phí, mức thuế 46% cũng đẩy thủy sản Việt Nam vào thế yếu trong cạnh tranh. Các quốc gia xuất khẩu thủy sản cạnh tranh với Việt Nam có thể kể đến: Ấn Độ chỉ chịu thuế 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt gần 2 tỷ USD/năm, chiếm 20% tổng xuất khẩu toàn ngành. Mỹ là thị trường lớn nhất cho mặt hàng tôm, cá ngừ và lớn thứ hai ở mặt hàng cá tra. Khoảng 70% sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng, gắn với sinh kế hàng trăm nghìn hộ nông dân, còn lại là hải sản khai thác.
Đáng nói ở chỗ, hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu hoặc đã lên kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong năm 2025, phần lớn theo hình thức DDP. Nhiều đơn hàng lớn, có giá trị cao, đang ở giai đoạn giao hàng hoặc chờ giao, đối diện rủi ro tài chính nghiêm trọng nếu không kịp điều chỉnh điều kiện thuế quan.
Theo số liệu của Dragon Capital và VIS Rating: Vĩnh Hoàn (VHC) – doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ – có doanh số từ thị trường này chiếm 31,4%, tương đương hàng nghìn tỷ đồng. Sao Ta (FMC) – xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm 29,3% doanh thu. Navico (ANV) – đang mở rộng thị trường Mỹ, với tỷ trọng khoảng 5,9% trong năm 2024. Minh Phú (MPC) – “vua tôm” Việt Nam, cũng có thị trường lớn nhất là Mỹ.
![]() |
Trong công văn gửi Chính phủ, VASEP đề xuất:
- Đàm phán khẩn với Mỹ để xác định mốc áp thuế theo ngày xuất hàng (B/L), thay vì ngày hàng cập cảng;
- Kiến nghị tách nhóm hàng thủy sản, tránh áp chung mức thuế 46%;
Đề xuất Việt Nam giảm thuế nhập thủy sản từ Mỹ về 0% để có cơ sở đàm phán thuế đối ứng thấp hơn từ phía Mỹ.
Chỉ còn 7 ngày trước khi mức thuế mới từ Mỹ chính thức có hiệu lực (9/4). Với các lô hàng trị giá hàng trăm triệu USD đang lênh đênh trên biển, ngành thủy sản Việt Nam đang cần một giải pháp chính sách đủ nhanh và đủ quyết liệt để không đánh mất thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của mình.