Ngân hàng TMCP Quân đội – MB (mã MBB) vừa công bố những cập nhật đầu tiên liên quan đến tình hình tài chính của Ngân hàng Thương mại TNHNN Một Thành viên Đại Dương (OceanBank), nay đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV).
Sau ba tháng chính thức chuyển giao về hệ thống MB theo phương án xử lý bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, MBV đã ghi nhận những thay đổi đáng kể, đặc biệt là về hiệu quả tài chính và cấu trúc tài sản.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, tại thời điểm được chuyển giao bắt buộc cho MB, Oceanbank có hệ thống mạng lưới gồm 101 điểm giao dịch (21 chi nhánh, 80 phòng giao dịch) hiện diện tại 19 tỉnh/thành; Tổng tài sản đạt 39.815 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 32.936 tỷ đồng; huy động vốn từ khách hàng đạt 44.605 tỷ đồng; lỗ lũy kế 19.628 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, Hội đồng Quản trị (HĐQT) MB đã tổ chức, triển khai tiếp nhận ngân hàng và thực hiện Phương án chuyển giao bắt buộc phù hợp Nghị quyết 10/NQ-MB-ĐHĐCĐ ngày 15/4/2022, phê duyệt của cấp có thẩm quyền và quy định pháp luật như: thay đổi tên, nhận diện thương hiệu MBV; sửa đổi Điều lệ, Giấy phép hoạt động MBV; tổ chức kiện toàn hoạt động quản trị, điều hành MBV; thực hiện biện pháp hỗ trợ cho MBV và nội dung khác theo phương án chuyển giao bắt buộc, quy định pháp luật.
Theo đó, MBV hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với hệ thống mạng lưới duy trì tương đương thời điểm trước chuyển giao bắt buộc; Quy mô hoạt động đến thời điểm 31/12/2024 như sau: Tổng tài sản 46.232 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.795 tỷ đồng, huy động vốn từ khách hàng đạt 46.958 tỷ đồng, lỗ lũy kế còn 15.688 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy ba tháng sau chuyển giao, MBV đã giảm được 3.940 tỷ đồng lỗ lũy kế; tổng tài sản tăng 6.417 tỷ đồng (tương đương 16,1%), dư nợ cho vay tăng 1.859 tỷ đồng (5,6%) và huy động vốn tăng 2.353 tỷ đồng (5,3%).
MB cho biết, mục tiêu lâu dài là xây dựng MBV trở thành một ngân hàng số hiện đại, có nền tảng quản trị rủi ro tiên tiến, hoạt động hiệu quả, từng bước xóa bỏ hoàn toàn lỗ lũy kế, nâng cao giá trị thực vốn điều lệ vượt mức pháp định và đảm bảo tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng sau khi hoàn tất phương án chuyển giao bắt buộc.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025 dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tới, HĐQT MB sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án chuyển giao bắt buộc (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
Cụ thể, MB sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
OceanBank (nay là MBV) từng là một trong những ngân hàng bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào năm 2015 sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về quản trị và tài chính. Sau gần một thập kỷ hoạt động dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, OceanBank vẫn chưa thể phục hồi đầy đủ và cần một lộ trình tái cơ cấu triệt để hơn.
Giữa tháng 10/2024, MB chính thức được chấp thuận là ngân hàng tiếp nhận OceanBank theo hình thức chuyển giao bắt buộc. Với quy mô, năng lực tài chính và kinh nghiệm tái cấu trúc, MB được kỳ vọng sẽ hồi sinh OceanBank và biến đây thành một điểm sáng mới trong hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Việc xóa bỏ hoàn toàn lỗ lũy kế khó có thể diễn ra trong thời gian ngắn. MB sẽ cần tiếp tục hỗ trợ tài chính, củng cố nhân sự, xây dựng lại hệ thống quản trị và từng bước khôi phục niềm tin khách hàng – đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngân hàng số ngày càng khốc liệt.