UBCKNN vừa làm việc với Tổ chức Tài chính Quốc tế để chuẩn bị khung pháp lý vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, trong khi loạt doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vingroup, Masan đã sẵn sàng đón đầu xu hướng.
Ngày 10/4/2025, tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đã diễn ra buổi làm việc giữa UBCKNN và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhằm trao đổi về định hướng phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên cập nhật tiến độ thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác lần thứ ba, như: Tổ chức lễ ra mắt Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính, chương trình đào tạo về kiểm kê và báo cáo khí nhà kính cho doanh nghiệp niêm yết tại Hà Nội và TP. HCM, cũng như biên soạn Cẩm nang Quản trị công ty cập nhật theo các quy định mới và thông lệ quốc tế.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: SSC) |
Về nội dung phát triển thị trường carbon, ông Hà Duy Tùng – Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, thực hiện cam kết tại COP26 và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Nghị định quy định tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch tín chỉ carbon, với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý trong năm 2025, thí điểm từ giữa năm nay và đi vào vận hành chính thức từ năm 2029.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã được xác định là 2 đơn vị chủ lực tham gia vận hành thị trường.
UBCKNN có thể sẽ được giao nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt các quy chế nghiệp vụ liên quan của HNX và VSDC. Trong bối cảnh đó, UBCKNN đề xuất IFC hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng quy chế giao dịch, hệ thống giám sát thị trường, đào tạo cán bộ và thiết lập cơ chế phối hợp đa ngành.
Song song đó, UBCKNN cũng đang phối hợp với IFC để nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc Trách nhiệm giám sát của các quỹ đầu tư (Stewardship Code), nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư thực hiện giám sát toàn diện hoạt động doanh nghiệp theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Từ năm 2016, Công ty Masan High-Tech Materials (MSR – công ty con của Tập đoàn Masan) đã bắt đầu trồng cây trên vùng đất đá thải sau khai thác khoáng sản. Đến năm 2023, công ty đã phủ xanh khoảng 58ha khắp khu vực dự án.
Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại của Masan High-Tech Materials cho biết: “Theo lộ trình của Chính phủ Việt Nam, thị trường carbon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028. Từ trước đến nay, chúng tôi luôn chú trọng tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh, tái chế chất thải và đến thời điểm hiện tại đã sẵn sàng về kỹ thuật lẫn tài chính để tham gia mua bán, trao đổi tín chỉ carbon khi thị trường đi vào hoạt động”.
Tương tự, ông Lê Hoàng Minh – Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk (HoSE: VNM) – chia sẻ rằng sau khi hoàn thành việc trồng mới 1 triệu cây xanh, Vinamilk tiếp tục triển khai trồng thêm để trung hòa carbon. Mục tiêu là giảm 15% phát thải khí nhà kính vào năm 2027 và trung hòa 55% vào năm 2035. “Dự kiến trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ trồng từ 2–3 triệu cây xanh, bắt đầu bằng cây mắm – loài cây hấp thụ CO₂ tốt và giữ đất cho người nông dân”, ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của Vinamilk cho biết công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. “Trong tương lai, chúng tôi có thể tính đến việc bán tín chỉ carbon nếu lượng khí nhà kính hấp thụ lớn hơn lượng phát thải”, ông Khánh nói.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (VIC), ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác”.
Ngay từ đầu năm 2025, Vingroup đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về chuyển đổi xanh, trong đó có kế hoạch triển khai tín chỉ carbon với TP Đà Nẵng (25/2), tỉnh Lào Cai (27/2), tỉnh Bắc Giang (28/2) và Long An (28/3).
![]() |
Lễ ký kết giữa Vingroup và tỉnh Long An (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Trước đó, ngày 21/1, V-GREEN – công ty phát triển trạm sạc của Vingroup, do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập – đã ký thỏa thuận với công ty năng lượng xanh eTreego (Đài Loan) để phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện VinFast. Một trong những mục tiêu của thỏa thuận là thúc đẩy sáng kiến chuyển đổi xanh, trong đó có xây dựng đề án chứng nhận tín chỉ carbon cho các trạm sạc.
Thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với tiềm năng hàng trăm triệu USD mỗi năm, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ môi trường mà còn là nguồn thu hấp dẫn trong tương lai.