Tin thị trường

ĐHĐCĐ TPBank: Tăng CASA, giảm chi phí vốn để cải thiện NIM

Nhịp sống kinh doanh -
24/04/2025
dai-hoi-co-dong-tpbank-2025-32-1-1-.jpg
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của TPBank.

Kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 18%

Phát biểu tại đại hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2024, TPBank đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.

Cụ thể, quy mô tổng tài sản đến thời điểm 31/12/2024 đạt 418.028 tỷ đồng, tăng 17,21% so với cuối năm 2023, đạt 107,19% kế hoạch. Tổng huy động đạt 374.046 tỷ đồng, tăng 18,18% so với cuối năm 2023 và đạt 114,39% kế hoạch. Hoạt động tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp cho năm 2024 với tổng dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu tổ chức kinh tế đến thời điểm 31/12/2024 đạt 261.458 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 20,18% so với cuối năm 2023, đạt 103,83% kế hoạch.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,12%, giảm so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 35,98% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu lợi nhuận được ĐHĐCĐ giao.

Cũng trong năm qua, ngân hàng đã tiến hành trích lập 4.159 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, thực hiện sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng với số tiền 3.798 tỷ đồng.

Ông Phú cho biết, năm 2024, TPBank đã có thêm 2,1 triệu khách hàng mới, đạt 14,1 triệu khách hàng. Tỷ lệ khách hàng active tăng lên 37%, CASA đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng 14,44%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất hệ thống. Các chỉ số tài chính tiếp tục tích cực với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt hơn 13%, vượt chuẩn Basel III; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 34,78%.

Sang năm 2025, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 450.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, tăng 7,6% so với năm 2024. Tổng huy động dự kiến đạt 420.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%, dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến tăng 20%, đạt 313.750 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 2,5%.

Năm nay, TPBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với kết quả đạt được năm 2024.

screen-shot-2025-04-24-at-9.02.20-am.png
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của TPBank.

Để đạt được kết quả trên, ngân hàng sẽ triển khai kinh doanh theo các phân khúc khách hàng mục tiêu, phát triển khách hàng mới theo những địa bàn và tệp khách hàng mục tiêu cụ thể, tập trung vào các khách hàng có chất lượng để mang về CASA và các cơ hội khai thác bán sản phẩm dịch vụ. Đồng thời tiếp tục triển khai cải tiến các sản phẩm cho vay cốt lõi như: cho vay bất động sản, cho vay ô tô, cho vay kinh doanh theo hướng đổi mới, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ, đồng thời phù hợp với tình hình thị trường,…

Lợi nhuận quý I đạt hơn 2.100 tỷ đồng

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, kết thúc quý đầu tiên của năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.108 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong quý I đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trở thành điểm sáng khi tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.

Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường I đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý I/2024. Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành (2,5%; tính đến ngày 25/3).

Ông Hưng cho biết, năm 2025, TPBank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15,85%, cao hơn mức mục tiêu trung bình ngành.

Quảng cáo

Thuế quan không ảnh hưởng lớn, sẽ có biện pháp để cải thiện NIM

Nhận định tình hình thuế quan trong giai đoạn sắp tới còn nhiều yếu tố phức tạp, khó lượng, tuy nhiên, ông Hưng cho biết, hiện tổng dư nợ của các khách hàng xuất nhập khẩu sang Mỹ chỉ ở mức 10.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tín dụng của TPBank. Trong khi đó, doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp này chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu nên ảnh hưởng không nhiều.

“Chúng tôi đã tiến hành rà soát, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng mới, trong bối cảnh hiện tại, việc tìm kiếm lợi nhuận xuất khẩu sang Mỹ sẽ khó khăn hơn khi biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu thường dưới 10%. Nếu bị áp thuế trên 10% là đã không có hiệu quả rồi”, ông Hưng nói.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhận định, việc Tổng thống Trump áp thuế đối ứng là rất bất ngờ, theo đó, TPBank đã có nhiều cuộc họp đánh giá tình hình.

“Chúng tôi đã có các kịch bản, trong trường hợp cần thiết, TPBank sẽ dùng chính lợi nhuận của mình để chia sẻ, giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Quan trọng nhất, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng đặt mục tiêu cao nhất là an toàn hoạt động ngân hàng”, ông Phú nhấn mạnh.

Liên quan đến giải pháp nhằm duy trì và tăng NIM, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước nhiều năm nay luôn định hướng giảm lãi suất cho vay. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo không tăng lãi suất huy động để không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Hiện nay, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, chưa kể bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, cho vay người trẻ mua nhà... Để duy trì hoặc tăng NIM, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện chi phí vốn, tăng CASA và có cơ cấu vốn hợp lý. Thực tế, ngân hàng phải tuân thủ rất nhiều chỉ số. Chúng ta có thể huy động vốn ngắn hạn để chi phí rẻ, nhưng còn ràng buộc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bộ chỉ số mà ngân hàng tuân thủ rất phức tạp. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng cân đối làm thế nào để hài hoà đủ hiệu quả”, ông Hưng cho biết.

Chi cổ tức 15%, tăng vốn lên hơn 27.740 tỷ đồng

Cũng tại đại hội, HĐQT TPBank trình kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.

Ngoài ra, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh, TPBank cũng dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu).

Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là gần 1.321 tỷ đồng. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.

Hiện nay, mức vốn điều lệ của TPBank ở mức 26.420 tỷ đồng, nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa gần 1.321 tỷ đồng, lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, số vốn được tăng thêm dự kiến được sử dụng cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung vốn trung dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024 ngân hàng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành hơn 440 triệu cổ phiếu thưởng. Năm 2023, TPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% và cổ phiếu thưởng gần 40%.

Miễn nhiệm thành viên HĐQT

Tại đại hội, HĐQT TPBank trình việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT. Trước đó, ngày 18/3, ông Tú đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Sau khi được thông qua, HĐQT TPBank còn 5 thành viên, trong đó, ông Đỗ Minh Phú giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Lê Quang Tiến và ông Shuzo Shikata là Phó Chủ tịch HĐQT, hai thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh