Thông tin bất ngờ về mức thuế quan từ Nhà Trắng đã gây ra áp lực bán mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó có Việt Nam. Đà giảm gần như phủ định hoàn toàn các nỗ lực tích lũy trong năm 2024 và xu hướng tăng ở giai đoạn đầu năm 2025 của hai nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Trong đó, nhóm vốn hóa vừa thể hiện rõ sự nhạy cảm khi sụt giảm mạnh nhất lên đến gần 21%, trong khi VnSmall giảm 18,7%, theo thống kê từ Chứng khoán Rồng Việt - VDSC.
Dù cả hai chỉ số này đã có 3 phiên phục hồi khá nhanh từ 10-12/4 với mức tăng lần lượt 15% và 11% nhưng mức hồi phục này vẫn chưa đủ cơ sở để xác nhận hình thành đáy kỹ thuật. Hiện tại, các chỉ số vẫn cách xa vùng đảo chiều xu hướng với VnMidcap tại 1.810 điểm và VNSmall ở mức 1.360 điểm. Các nhịp rung lắc trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cải thiện lực cầu cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Xét theo nhóm ngành, áp lực thông tin thuế quan đã tạo ra rào cản đáng kể đối với triển vọng tăng trưởng của thị trường. Trong đó, VnMid và VnSmall chịu nhiều hoài nghi hơn cả vì được cấu thành từ nhiều doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ các sắc lệnh thuế quan như thủy sản, khu công nghiệp, dệt may, tôn mạ. Đáng nói hơn, với đặc điểm hệ số beta cao và thanh khoản kém, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ càng dễ chịu áp lực điều chỉnh sâu khi thị trường chung biến động mạnh.
VDSC cho rằng triển vọng kinh doanh của nhóm ngành này vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất định, rủi ro trong thời gian tới khi đàm phán kéo dài 90 ngày, hiện tại mọi thứ dường như chưa rõ ràng khi động thái thương chiến vẫn diễn ra giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Ở chiều ngược lại, những ngành có tính phòng thủ cao hoặc không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan như Bán lẻ, Hóa chất phân bón, Ngân hàng, Tiện ích và Bất động sản dân cư lại cho thấy khả năng giữ nhịp và phục hồi tốt hơn. Các cổ phiếu thuộc những nhóm này đang dần trở lại vùng giá trước điều chỉnh, phản ánh kỳ vọng rằng tác động từ những rủi ro vĩ mô sẽ ở mức giới hạn và phần lớn chỉ mang yếu tố tâm lý ngắn hạn.
Trong bối cảnh thị trường đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thông tin và các chỉ số chính vẫn chưa xác lập được xu hướng rõ ràng, VDSC cho rằng dòng tiền sẽ có xu hướng chọn lọc hơn, tập trung vào các nhóm ngành gắn liền với câu chuyện tăng trưởng kinh tế năm 2025 với mục tiêu GDP đạt mức 8%.
Với quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Chính phủ bất chấp những thách thức từ xuất khẩu và dòng vốn FDI, đầu tư công tiếp tục được kỳ vọng là trụ cột chính đóng vai trò điểm tựa cho đà phục hồi kinh tế. Nhóm vật liệu và xây dựng đã và đang tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
VDSC cũng khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tập trung chủ yếu ở thị trường trong nước, ít bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài và hưởng lợi từ lộ trình kich thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư công, các doanh nghiệp có tính phòng thủ cao như dược phẩm, điện nước... Hoặc xa hơn nữa là những doanh nghiệp hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán trong nước.
Đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh liên quan đến thị trường bên ngoài, cần bám sát và phân tích kỹ những thông tin công bố và đưa ra dự đoán kết quả về mức thuế phù hợp trước khi đầu tư để tránh trải qua hiệu ứng Domino. Hoặc đối với những doanh nghiệp này, nên ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp liên quan đến thị trường ngách, với nhóm khách hàng không chịu tổn thương từ mức thuế của cuộc chiến.
Một số cổ phiếu tiêu biểu cần theo dõi như VCG, DPG, HHV, CTD, NT2, IMP, DDV, VCI, HCM.