Ngày 24/4/2025, CTCP Chứng khoán Công thương (CTS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 297,4 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức 9%. Đại hội cũng phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 43%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 1.487 tỷ đồng lên 2.126 tỷ đồng.

Trong năm 2024, CTS ghi nhận doanh thu hoạt động 1.032,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 231,1 tỷ đồng, tăng 23,31% so với năm 2023.
Tại Đại hội, Ban lãnh đạo CTS đã chia sẻ kết quả kinh doanh quý I/2025, đánh giá tác động của các yếu tố vĩ mô như chiến tranh thương mại, chính sách điều hành, lãi suất, dòng vốn đầu tư và tâm lý nhà đầu tư trong năm 2025. Công ty cũng trình bày kế hoạch thích ứng linh hoạt với xu hướng thị trường, tập trung vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong nghiệp vụ và nâng cao năng lực phân tích, tư vấn đầu tư.
Chủ tịch HĐQT Trần Phúc Vinh nhận định, thuế quan năm 2025 đã gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm chịu tác động lớn với mức thuế cao.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua các phiên giảm điểm mạnh do lo ngại về thuế quan. Tuy nhiên, Chính phủ đã nhanh chóng ứng phó, cử đoàn đàm phán do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu để làm việc với phía Mỹ.
Việc Tổng thống Trump đồng ý hoãn áp thuế 90 ngày đã giúp thị trường phục hồi tích cực trong ngắn hạn. Dù vậy, ông Vinh nhấn mạnh kết quả đàm phán thuế quan dài hạn sẽ là yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong năm nay.
Ông Vinh cũng nhìn nhận cơ hội trong thách thức, khi Chính phủ tiếp tục định hướng tăng trưởng kinh tế nội địa và chuyển dịch thị trường xuất khẩu. Thị trường chứng khoán có thể phân hóa theo ngành nghề, tạo cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan. Triển vọng nâng hạng thị trường, triển khai hệ thống KRX và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được xem là những điểm sáng cho thị trường.
Về triển vọng kinh doanh năm 2025, Tổng Giám đốc Vũ Đức Mạnh cho biết, CTS đã đạt lợi nhuận khả quan trong quý I/2025, hoàn thành gần 50% kế hoạch năm, nhờ chiến lược tự doanh chủ động và chốt lời trước đợt giảm sâu của thị trường.
Tuy nhiên, công ty không điều chỉnh tăng mục tiêu kinh doanh do những thách thức từ cạnh tranh phí giao dịch “zero fee”, áp lực lãi suất và tác động của thuế quan. Ông Vinh bổ sung, các công ty chứng khoán có thể cần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về lãi suất và huy động vốn giá rẻ trong thời gian tới.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ông Mạnh nhận định, nhiều công ty chứng khoán đã bị ảnh hưởng khi các tổ chức phát hành chậm chi trả, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. CTS cũng chịu tác động nhẹ từ một số khoản TPDN và đang yêu cầu các doanh nghiệp hoàn trả cho khách hàng. Ông khuyến nghị "nhà đầu tư cá nhân nên ưu tiên các sản phẩm an toàn như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu ngân hàng, trái phiếu phát hành công chúng hoặc cổ phiếu niêm yết".

Về tăng trưởng margin và tối ưu nguồn vốn, ông Đặng Anh Hào, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cho biết, dư nợ margin của CTS đạt kỷ lục gần 3.500 tỷ đồng vào cuối quý I/2025 và sẽ tiếp tục mở rộng margin. Công ty ưu tiên tối ưu chi phí vốn với lãi suất thấp nhất, tận dụng vị thế đàm phán nhờ sự hỗ trợ từ VietinBank để tối đa hóa lợi nhuận.

Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm ông Đặng Anh Hào – Thành viên HĐQT và bà Phạm Thị Huyền Trang – Thành viên độc lập HĐQT. Đồng thời, bà Bùi Thị Thanh Thúy được bầu làm Thành viên HĐQT và ông Phạm Việt Hùng được bầu làm Thành viên độc lập HĐQT.