
Kế hoạch lợi nhuận 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4%
Báo cáo tại đại hội, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, kết thúc năm 2024, ngân hàng ghi nhận kết quả tài chính ấn tượng với tổng thu nhập hoạt động tăng 17,3% và lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) giảm xuống mức 1,17% với chi phí tín dụng được kiểm soát ở mức 0,8%, đều là những mức thấp trong ngành. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) giảm xuống 32,7%, so với mức 33,1% năm trước, góp phần cải thiện tỷ suất sinh lời trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) thêm 70 điểm cơ bản, phản ánh hiệu quả kiểm soát chi phí và năng lực sinh lời vững chắc của ngân hàng.
Tổng Giám đốc Techcombank đánh giá, mặt bằng NIM toàn ngành nói chung đang có xu hướng giảm, sức ép cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có chỉ đạo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế.
“Trong quý qua, không chỉ NIM của Techcombank mà của toàn ngành đều đi xuống. Tuy nhiên, nhìn chung, NIM của Techcombank vẫn ở mức lành mạnh và có phần nhỉnh hơn so với các ngân hàng khác”, ông Jens Lottner cho biết.
Năm 2025, lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024. Tổng huy động khách hàng phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế, nhằm tối ưu hóa bảng cân đối kế toán. Tăng trưởng tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo Techcombank cho biết, hạn mức tín dụng ngân hàng được cấp thời điểm hiện tại là 745.738 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,5%.
Chia cổ tức 10%, phát hành ESOP
Sau khi trả cổ tức tiền mặt lần đầu sau 10 năm vào năm 2024, với mức 1.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 750 đồng/cổ phiếu sau tăng vốn điều lệ 100%), Techcombank tiếp tục trình trả cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/cổ phiếu thực hiện trong năm 2025. Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng giá trị chi trả dự kiến khoảng 7.065 tỷ đồng.
Nguồn tiền chi trả được lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2024, căn cứ theo báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất đã kiểm toán. Việc chi trả dự kiến hoàn tất trước ngày 31/12/2025, thời điểm cụ thể sẽ do HĐQT quyết định dựa trên điều kiện thực tế, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi cổ đông.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, Techcombank tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chỉ trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15% là hoàn toàn khả thi.
Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ phương án phát hành hơn 21,38 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương 0,30275% tổng số cổ phiếu lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong quý III hoặc quý IV/2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nguồn vốn thu về từ đợt phát hành sẽ được bổ sung vào vốn hoạt động kinh doanh. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Techcombank dự kiến tăng thêm gần 214 tỷ đồng, lên mức 70.862 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản đã đi qua điểm trũng
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, nếu chiến tranh thương mại xảy ra chắc chắn sẽ có tác động lên nền kinh tế, GDP và sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường bất động sản chưa chịu nhiều tác động.
“Hiện nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn, cùng với cam kết đẩy mạnh phát triển hạ tầng của Chính phủ, chúng tôi đánh giá thị trường bất động sản trong thời gian tới dù chưa thể bứt phá như giai đoạn trước khủng hoảng, nhưng điểm rơi của thị trường cũng đang từ từ vượt qua”, Chủ tịch Techcombank nói.
Về dự án đường cao tốc Đắc Nông - Bình Phước, ông Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank có vai trò là nhà thu xếp vốn chứ không phải là chủ đầu tư. Nếu các cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ được khởi công sớm hơn dự kiến.
“TCB sẽ đưa dịch vụ tốt nhất để tuyến đường khởi công và tạo hành lang quan trọng nối Tây Nguyên và vùng đồng bằng”, ông Hồ Hùng Anh nói.
Dự kiến IPO TCBS trong năm nay
Chia sẻ về kế hoạch IPO công ty chứng khoán TCBS, ông Hồ Hùng Anh cho biết, năm ngoái, Techcombank đã có kế hoạch và hiện đã làm việc với hai đầu tư lớn, có thể họ sẽ tham gia trước vào quá trình IPO.
“Theo đánh giá của nhà đầu tư là rất khả quan, họ đánh giá rất cao vị thế của TCB. Theo dự kiến, chúng tôi sẽ IPO TCBS trong năm nay, vào cuối năm. Dù vậy, thời điểm cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường tài chính, thuế quan đối ứng, thị trường chứng khoán. HĐQT đã có kế hoạch, thuê các nhà tư vấn và đưa ra các kịch bản khác nhau về vấn đề này”, ông Hùng nói.
Cũng theo Chủ tịch Techcombank, khi IPO, ngân hàng sẽ thu được tiền lớn, khi đó, việc sử dụng số tiền đó như thế nào cho hiệu quả sẽ là một bài toán lớn.
Techcombank đặt mục tiêu vốn hóa của ngân hàng sẽ đạt 20 tỷ USD vào cuối năm 2025. Ông Hồ Hùng Anh khẳng định, đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là cam kết lớn nhất của Hội đồng Quản trị và Ban điều hành ngân hàng.
“Với tình hình hiện tại, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt P/B ở mức 2 - 2,5 lần trong năm này và điều này hoàn toàn có thể thực hiện. Hiện tại, Techcombank có những thuận lợi như thị trường trái phiếu quay trở lại, nhà đầu tư tin tưởng hơn, thị trường bất động sản đã ấm hơn,,... Dù chính sách thuế quan có tác động không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng nhưng chúng tôi tin rằng, với thời gian cùng nền tảng vững chắc, Techcombank sẽ đạt được mục tiêu. Techcombank muốn xây dựng một giá trị bền vững nên sẽ đi từng bước một. Khi thời điểm đến thì giá trị sẽ bùng nổ”, Chủ tịch Techcombank nói.