
Kế hoạch lợi nhuận tăng 10%, chi cổ tức 35%
Phát biểu tại đại hội, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) MB đánh giá, năm 2024, kinh tế toàn cầu và Việt Nam phục hồi tốt hơn dự báo dù chịu nhiều ảnh hưởng xung đột chính trị tại Ukraine và Trung Đông, áp lực lạm phát giảm dần, thị trường tài chính được nới lỏng điều kiện, thị trường lao động phục hồi.
Bên cạnh đó, nhiều luật mới, quan trọng được Quốc hội thông qua, có hiệu lực cũng tác động đến ngành tài chính ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng cạnh tranh chuyển đổi số, thu hút khách hàng, mở rộng thị phần quyết liệt.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2024, MB đã hoàn thành vượt kế hoạch do ĐHĐCĐ giao với tổng tài sản lần đầu tiên cán mốc hơn 1,1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 28.829 tỷ đồng, CASA đạt 39,5%, quản trị nợ xấu ở mức 1,62% toàn tập đoàn và 1,39% riêng ngân hàng mẹ.
Sang năm 2025, MB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 21,2%, tương đương đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Huy động vốn trong năm 2025 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 23,3% trong khi đó tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23,7% trong năm 2025, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 1,7%, tỷ lệ an toàn vốn CAR tuân thủ Base II ở mức tối thiểu là 9%. Chỉ số ROE dự kiến đạt xấp xỉ 20-22%, ROA đạt 2%, CIR dưới 30%.
Với các chỉ tiêu trên, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ tăng xấp xỉ 10%, tương đương đạt khoảng 31.712 tỷ đồng. Ngoài ra, MB cũng dự kiến chi cổ tức tỷ lệ 35%, trong đó, 3% trả bằng tiền và 32% trả bằng cổ phiếu.
Tới cuối năm 2025, MB đặt mục tiêu có được 34-35 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.

Tăng vốn điều lệ lên 81.368 tỷ đồng
Hiện vốn điều lệ của MB đang là 61.022 tỷ đồng. Theo kế hoạch, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32% từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của ngân hàng năm 2024 .
Mệnh giá mỗi cổ phiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành dự kiến gần 19.726 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, MB cũng tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ năm 2024 thông qua với tổng lượng phát hành tối đa là 62 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô tăng vốn thêm là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2025, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Nếu hoàn thành hai cấu phần tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7.745 tỷ đồng (bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng); đầu tư bổ sung vốn hoạt động, (mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh,...) là 12.600 tỷ đồng.
Mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ
Tại đại hội, HĐQT MB trình cổ đông thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ. Phương thức thực hiện là khớp lệnh, ngân hàng dự kiến thực hiện trong năm nay hoặc năm sau khi nhận được sự phê duyệt, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.
Ông Lưu Trung Thái nhận định, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ giúp hỗ trợ quyền lợi cho cổ đông, trong tình huống xấu có vấn đề xảy ra, giống như giai đoạn vừa qua, ngân hàng sẽ có biện pháp để hỗ trợ, ổn định thanh khoản, giữ niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch MB, hoạt động này không ảnh hưởng nhiều đến hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng nhưng cung cấp một công cụ quan trọng trong giai đoạn có quá nhiều biến động hiện nay.
MBV đã giảm gần 4.000 tỷ đồng lỗ lũy kế
Cũng tại đại hội, Hội đồng quản trị Ngân hàng MB trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án CGBB (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, sau 3 tháng chính thức chuyển giao về hệ thống MB theo phương án xử lý bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, MBV đã ghi nhận những thay đổi đáng kể, đặc biệt là về hiệu quả tài chính và cấu trúc tài sản.
Cụ thể, tại thời điểm được chuyển giao bắt buộc cho MB, Oceanbank có hệ thống mạng lưới gồm 101 điểm giao dịch (21 chi nhánh, 80 phòng giao dịch) hiện diện tại 19 tỉnh/thành; Tổng tài sản đạt 39.815 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 32.936 tỷ đồng; huy động vốn từ khách hàng đạt 44.605 tỷ đồng; lỗ lũy kế 19.628 tỷ đồng.
Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, HĐQT MB đã tổ chức, triển khai tiếp nhận ngân hàng và thực hiện Phương án chuyển giao bắt buộc phù hợp Nghị quyết 10/NQ-MB-ĐHĐCĐ ngày 15/4/2022, phê duyệt của cấp có thẩm quyền và quy định pháp luật như: thay đổi tên, nhận diện thương hiệu MBV; sửa đổi Điều lệ, Giấy phép hoạt động MBV; tổ chức kiện toàn hoạt động quản trị, điều hành MBV; thực hiện biện pháp hỗ trợ cho MBV và nội dung khác theo phương án chuyển giao bắt buộc, quy định pháp luật.
Theo đó, MBV hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với hệ thống mạng lưới duy trì tương đương thời điểm trước chuyển giao bắt buộc; Quy mô hoạt động đến thời điểm ngày 31/12/2024 như sau: Tổng tài sản 46.232 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.795 tỷ đồng, huy động vốn từ khách hàng đạt 46.958 tỷ đồng, lỗ lũy kế còn 15.688 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 3 tháng sau chuyển giao, MBV đã giảm được 3.940 tỷ đồng lỗ lũy kế; tổng tài sản tăng 6.417 tỷ đồng (tương đương 16,1%), dư nợ cho vay tăng 1.859 tỷ đồng (5,6%) và huy động vốn tăng 2.353 tỷ đồng (5,3%).
Lãnh đạo MB cho biết, mục tiêu lâu dài là xây dựng MBV trở thành một ngân hàng số hiện đại, có nền tảng quản trị rủi ro tiên tiến, hoạt động hiệu quả, từng bước xóa bỏ hoàn toàn lỗ lũy kế, nâng cao giá trị thực vốn điều lệ vượt mức pháp định và đảm bảo tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sau khi hoàn tất phương án chuyển giao bắt buộc.
MB dự kiến sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.