Tin thị trường

ĐHĐCĐ VietABank: Đặt mục tiêu lợi nhuận trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 11.582 tỷ đồng

Nhịp sống kinh doanh -
26/04/2025
dai-hoi-co-dong-1.jpg
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VietABank.

Hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo VietABank cho biết, khép lại năm 2024, kết quả hoạt động năm 2024 của VietABank có sự tăng trưởng tốt về hiệu quả hoạt động và quy mô. Các chỉ số tài chính cải thiện so với năm trước.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 1.086 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2023, hoàn thành 103% kế hoạch; tổng tài sản đạt 119.832 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch năm; tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.434 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; dư nợ tín dụng đạt 79.916 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,37% so với mức 1,59% cuối năm 2023.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, quy mô tổng tài sản, tín dụng năm 2024 của VietABank đã tăng trưởng tốt theo định hướng. Ngân hàng đã tập trung đa dạng hóa khách hàng, tối ưu hóa cơ cấu danh mục tín dụng, cơ cấu nguồn vốn tiếp tục được tái cấu trúc hiệu quả, tăng trưởng CASA và nguồn vốn có lãi suất thấp làm cho chi phí huy động vốn giảm 2.080 tỷ đồng, giảm 29,54% so với cùng kỳ. Vì vậy, thu nhập lãi thuần năm 2024 tăng 518 tỷ đồng, tăng 28,63% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ được cải thiện, tăng 52 tỷ đồng, tương đương tăng 67,95% đóng góp tích cực vào việc tăng lợi nhuận cho ngân hàng, với việc cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho tất cả các phân khúc khách hàng của VietABank.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2024 giảm 132 tỷ đồng, giảm 85,7% so với cùng kỳ năm trước do công tác xử lý nợ, đôn đốc khách hàng thanh toán nợ thực hiện liên tục, hiệu quả, tình hình tài chính của khách hàng vay tiếp tục cải thiện.

Kế hoạch lợi nhuận vượt 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 11.582 tỷ đồng

Tại đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.306 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với kế hoạch năm 2024.

Thêm vào đó, ĐHĐCĐ VietABank đã phê duyệt chỉ tiêu phát triển quan trọng như tổng tài sản đạt 128.381 tỷ đồng, tăng 8.999 tỷ đồng so với năm 2024; tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 101.007 tỷ đồng, tăng 8.573 tỷ đồng so với năm 2024; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước; mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 10,3% lên 88.110 tỷ đồng, tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ.

screen-shot-2025-04-26-at-12.24.47-pm(1).png
Quảng cáo

Một trong những nội dung nổi bật tại đại hội là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ gần 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng – tương đương mức tăng 114,5%.

Theo kế hoạch, việc tăng vốn sẽ được thực hiện thông qua 3 cấu phần bao gồm phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (2.851 tỷ đồng); phát hành cổ phiếu chào bán cho người lao động (200 tỷ đồng); phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (3.132 tỷ đồng).

Đối với phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại chưa phân phối, VietABank dự kiến phát hành tối đa hơn 285 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành 52,8%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt khoảng 2.851 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ sẽ nâng lên mức 8.251 tỷ đồng.

Đối với cấu phần chào bán cho người lao động, ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP với tổng mệnh giá 200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ phát hành 3,7%. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ít nhất một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Dự kiến chương trình ESOP sẽ được triển khai trong vòng 12 tháng sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.

Với cấu phần chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, VietABank sẽ phát hành hơn 313 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền mua là 58% (100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 58 cổ phiếu mới). Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, với tổng giá trị phát hành gần 3.132 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ sẽ đạt 11.582 tỷ đồng.

Thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán

Dự báo tình hình kinh tế năm 2025 sẽ có nhiều thuận lợi, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc, tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, HĐQT VietABank trình ĐHĐCĐ về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại Sở Giao dịch Chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành.

Việc lựa chọn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ do HĐQT quyết định.

Bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng Quản trị

dai-hoi-co-dong-2.jpg
ĐHĐCĐ thường niên VietABank năm 2025 bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Trọng và ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã.

Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028. Cụ thể, HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 của VAB gồm 7 thành viên bao gồm: Ông Phương Thành Long, ông Phan Văn Tới, ông Nguyễn Hồng Hải, ông Lê Hồng Phương, ông Trần Tiến Dũng, ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã và ông Nguyễn Văn Trọng.

Việc bổ sung này nhằm phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị tại VietABank trong giai đoạn mới đồng thời khẳng định việc tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD 2024 của VietABank.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh