Tin thị trường

Lãnh đạo Vinasun muốn rời ghế cổ đông lớn, thế lực taxi một thời đang vật lộn trước áp lực từ Grab, Xanh SM

Người quan sát -
30/04/2025
Doanh nghiệp A-Z

Lãnh đạo Vinasun muốn rời ghế cổ đông lớn, thế lực taxi một thời đang vật lộn trước áp lực từ Grab, Xanh SM

Quốc Trung 29/04/2025 23:44

Động thái bán vốn của lãnh đạo Vinasun (VNS) diễn ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi ông được bầu vào HĐQT tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 24/4.

Cổ đông lớn vừa vào HĐQT đã muốn thoái vốn, Vinasun (VSN) vật lộn giữ thị phần trước Grab, Xanh SM
Ảnh minh họa

Ông Lê Hải Đoàn, cổ đông lớn của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS), vừa đăng ký bán toàn bộ 9,3 triệu cổ phiếu VNS – tương đương 13,65% vốn điều lệ. Đáng chú ý, động thái này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi ông được bầu vào HĐQT tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 24/4.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/5 đến 3/6 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Hiện cổ phiếu VNS đang giao dịch sát mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Hai pháp nhân liên quan đến ông Đoàn – Tập đoàn HIPT (HIG) và CTCP VBP – đang sở hữu tổng cộng 2,8 triệu cổ phiếu VNS. Trong đó, VBP vừa đăng ký mua vào thêm 5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến lên 7,77%. Do đó, không loại trừ khả năng đây là chuỗi giao dịch chuyển nhượng nội bộ từ cá nhân sang tổ chức.

Trước đó, ông Đoàn bắt đầu gia tăng sở hữu tại Vinasun từ cuối năm 2024, trong bối cảnh cổ đông ngoại Tael Two Partners LTD liên tục thoái vốn. Tại đại hội cổ đông, ông khẳng định: “Các giao dịch thỏa thuận với cổ đông ngoại thời gian qua chỉ đơn thuần là giao dịch mua bán, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Vinasun”.

Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết hiện lượng cổ phiếu trôi nổi chỉ chiếm khoảng 2–3% vốn điều lệ, phần lớn cổ phiếu đã rơi vào tay các cổ đông lớn.

Sau hai năm phục hồi hậu Covid-19, năm 2024 Vinasun vẫn giữ doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế giảm 45% còn 84 tỷ đồng. Quý I/2025, doanh thu và lợi nhuận tiếp tục sụt giảm lần lượt 16% và 36% so với cùng kỳ, đạt 234 tỷ đồng và 14 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2025 đặt ra doanh thu 977 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng – giảm nhẹ so với năm trước.

Từng là biểu tượng ngành taxi truyền thống, Vinasun đạt đỉnh năm 2016 với doanh thu 4.520 tỷ đồng, sở hữu hơn 6.100 xe. Tuy nhiên, trước làn sóng dịch chuyển sang xe công nghệ như Grab, Uber, Be... thị phần công ty đã co hẹp đáng kể. Tính đến cuối 2024, Vinasun chỉ còn 2.418 xe và 1.549 nhân sự, giảm hơn 15.600 người sau 8 năm.

Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Theo dữ liệu quý IV/2024 từ Mordor Intelligence, Xanh SM hiện dẫn đầu thị phần taxi Việt Nam với 37,41%, vượt Grab (36,62%) và bỏ xa Be (5,55%). Vinasun hiện chỉ còn giữ 2,44% thị phần, đứng thứ 5 toàn ngành.

“Trong khi Xanh SM chỉ sau 2 năm đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, Grab đã gọi vốn hơn 12 tỷ USD kể từ ngày thành lập, thì vốn chủ sở hữu của Vinasun hiện chỉ hơn 1.000 tỷ đồng”, ông Trần Anh Minh – Phó Tổng Giám đốc Vinasun chia sẻ. “Trong ngành taxi, đây là cuộc chơi đường dài. Grab sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa có lãi, với lỗ lũy kế đến cuối năm 2024 khoảng 3.000 tỷ đồng”.

Để thích nghi, Vinasun xác định chiến lược bám trụ TP. HCM, đồng thời chuyển đổi dần sang xe hybrid. Năm 2025, công ty dự kiến đưa vào khai thác 400 xe Toyota hybrid, thanh lý 500 xe cũ và áp dụng mô hình kinh doanh thương quyền – bán xe trả chậm cho tài xế. Tổng số xe hoạt động đến cuối năm dự kiến đạt 2.368 chiếc.

>> 'Khó thở' với sức ép từ Xanh SM và Grab, KQKD ông lớn taxi truyền thống Vinasun sụt giảm mạnh

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh