“Không nên siết vốn đột ngột vào bất động sản”

BizLIVE - 16/03/2016 2:17:37 CH


Cần sửa đổi Thông tư 36 nhưng không siết tín dụng đột ngột vào thị trường bất động sản vì thị trường này mới ấm trở lại.

Tăng hệ số rủi ro lên 250% sẽ khiến lãi suất tăng 2%


Nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản, doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến trên tại hội thảo “Sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36), thị trường bất động sản được gì, mất gì?” do Báo Thanh Niên tổ chức tại TP.HCM.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, các chỉ số thống kê cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu thâm dụng vốn trở lại, vì trong năm 2015 tăng trưởng tín dụng đã lên tới 18% và tăng trưởng tín dụng bất động sản là 26%. Do vậy, việc điều chỉnh Thông tư 36 nhằm đưa tín dụng về tiêu chuẩn là cần thiết.

TS. Hiển cho rằng, các dự án bất động sản tốt không sợ thiếu vốn, vì sửa đổi Thông tư 36 sẽ không thắt chặt tín dụng bất động sản đột ngột, dư địa cho vay trung dài hạn là 540.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng bất động sản mới ở mức 390.000 tỷ đồng.

Còn theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, thông điệp Ngân hàng Nhà nước trong việc sửa đổi Thông tư 36 là ổn định thị trường bất động sản, phòng ngừa, kiểm soát các rủi ro về cho vay trung dài hạn - đặc biệt là cho vay bất động sản của các ngân hàng.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã tăng rất nhanh trong 02 tháng đầu năm 2016, tăng từ mức 33% lên mức gần 37%. Nếu Thông tư 36 điều chỉnh tỷ lệ này xuống mức 40% thì dư địa cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại đã gần cạn kiệt.

Nếu hệ số rủi ro cho vay bất động sản tăng từ mức 150% lên mức 250% sẽ làm tăng lãi suất cho vay thêm khoảng 2%/năm, sẽ làm chùn tay các khách hàng khi vay vốn mua bất động sản. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn chảy vào bất động sản, dù năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đưa ra khá cao từ 18% - 20%.

Siết nhưng nên giảm “sốc” cho doanh nghiệp

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Thông tư 36 có hiệu lực trong 11 tháng qua đã giúp thị trường bất động sản phục hồi trở lại. Điều này thể hiện ở việc tín dụng cho vay bất động sản toàn bộ hệ thống ngân hàng đạt mức 37% thay cho mức 31% trước đó.

Thị trường bất động sản năm 2015 đã có dấu hiệu nóng lên, giao dịch, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp tăng khoảng 3 lần so với năm 2014, giá cả tăng trên dưới 15%. Do vậy, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là động thái cần thiết để các chủ thể có liên quan điều chỉnh hành vi của mình. Tuy nhiên việc điều chỉnh này cần có lộ trình phù hợp, vì thị trường bất động sản vừa phục hồi, chưa vững chắc.

Ông Châu kiến nghị tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nên điều chỉnh từ 60% xuống 50% (dự thảo là 40%) và giữ nguyên hệ số rủi ro cho vay bất động sản là 150%.

Theo ý kiến của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, thị trường chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng, nên mức nâng hệ số rủi ro là 200% (dự thảo là 250%), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên là 50%.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Đinh Duy Trinh, Giám đốc điều hành Bản Việt Land cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đã gây ra tâm lý xấu cho thị trường về việc khó tiếp cận nguồn vốn, một số doanh nghiệp đã chạy trước điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh qua việc cắt, giảm dự án, giảm chỉ tiêu kinh doanh, sẽ có nhiều dự án bất động sản bị tê liệt khi thị trường vừa phục hồi trong thời gian gần đây.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lê Tuấn, Tổng giám đốc công ty bất động sản Hưng Lộc Phát, để tránh “sốc”, Thông tư 36 nên có lộ trình để giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thể điều chỉnh được kế hoạch kinh doanh của mình.

 

HOÀNG ANH

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Các tin liên quan