Dệt may sẽ thoát "mối tơ vò"?

Thời báo Kinh doanh - 09/01/2017 9:38:36 SA


2016 có thể nói là một năm buồn đối với ngành dệt may khi tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ không được phê chuẩn. Dự báo về thuận lợi cho tăng trưởng của ngành năm 2017 cũng không mấy sáng sủa, nhất là khi nội tại ngành dệt may còn yếu.

Thực tế, mặc dù tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục qua các năm nhưng hiệu quả xuất khẩu của ngành dệt may còn thấp do tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công (CMT) chiếm đến 60%, theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) chiếm 35% và chỉ khoảng 5% xuất khẩu theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất).

Chính vì vâỵ, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may còn thấp, chỉ khoảng 30% so với tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ suất lợi nhuận trên dưới 10% và nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm 70-80%.

2017 sẽ tiếp tục khó khăn

Do vậy, mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành công thương, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết 2016 là năm dệt may có tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 28,3 tỷ USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Đáng chú ý, theo ông Trường, dự báo khó khăn trong xuất khẩu dệt may còn kéo sang năm 2017, do tại thời điểm này chưa nhìn thấy dấu hiệu gì sáng sủa, khi các thị trường nhập khẩu lớn vẫn trong xu hướng giảm cầu.

Trong khi đó, ở trong nước, ông Trường cho biết, thị trường nội địa chưa điều hòa được khi xuất khẩu gặp khó. Việt Nam không có cơ sở để rút lui về trong nước khi có biến trong xuất khẩu. Tiêu thụ ở thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng hơn 1 tháng sản xuất. Quy mô ngành dệt may Việt Nam hiện ở mức 35 tỷ USD.

“Dù rất quan tâm phát triển đến thị trường nội địa nhưng rõ ràng, xuất khẩu mới là đầu ra chính của dệt may Việt Nam. 90% hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành là dồn cho xuất khẩu”, ông Trường nhấn mạnh.

Ông Trường cho rằng, năm 2017, ngành dệt may sẽ tập trung cải tiến năng suất, chất lượng thay vì tập trung cho đầu tư.

Về thực trạng của ngành dệt may hiện nay, bà Đỗ Kim Chi, Viện Nghiên cứu Thương mại, cũng cho rằng ngành dệt may Việt Nam hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và đội ngũ nhân sự lành nghề trong lĩnh vực dệt nhuộm. Hơn nữa chi phí lao động rẻ nhưng do năng suất lao động Việt Nam thấp và chỉ bằng 2/3 so với các nước trong khu vực. Chi phí bình quân cho một đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn của Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia tới 30-40%, khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cuối cùng của hàng dệt may (các nhóm sản phẩm HS 61 – 63), nhưng lại nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu và đầu vào trung gian khác cho công nghiệp dệt may (các nhóm sản phẩm HS 50-60).

Sản xuất thuê, xuất khẩu hộ

Vì vậy, tuy đạt kim ngạch xuất khẩu cao, ngành dệt may Việt Nam vẫn tồn tại một hạn chế lớn là tỷ lệ sản xuất nguyên liệu trong nước chưa cao.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 khoảng trên 27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành may chiếm 85% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên 30% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% doanh số, còn 70% doanh nghiệp chỉ chiếm 30% (trên dưới 8 tỷ USD).

85% doanh nghiệp Việt Nam vẫn thực hiện theo phương thức gia công nên kim ngạch thực nhận chỉ trên dưới 2 tỷ USD, bởi giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm.

Đồng thời, ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa chủ động tạo được nguồn nguyên phụ liệu, mà phụ thuộc lớn vào nhập khẩu (khoảng 70 – 80%), chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Cụ thể, về dệt, nhuộm và hoàn tất, vai trò của các doanh nghiệp dệt là rất lớn vì vải là yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí và chất lượng cuối cùng của một sản phẩm may mặc. Nhưng dù có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho các DN may mặc song trên thực tế các sản phẩm dệt chưa thực sự phát triển để đáp ứng nhu cầu của may mặc.

Điểm bất hợp lý lớn nhất trong chuỗi cung ứng hàng dệt may chính là ở lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm bởi các DN trong nước sản xuất mỗi năm 3,6 triệu cọc sợi, với sản lượng đạt 514.000 tấn/năm, trong đó khoảng 334.000 tấn (tương đương 65%) phục vụ xuất khẩu. Số còn lại đưa vào dệt tạo ra khoảng 1,2 tỷ mét vải mộc/năm phục vụ doanh nghiệp may.

Do chủng loại, chất lượng vải của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của hàng may mặc xuất khẩu dẫn tới ngành may cần 6 tỷ mét vải/năm, song phải nhập khẩu khoảng 5,2 tỷ mét vải.

Các DN trong nước có khả năng nhuộm và hoàn tất 80.000 tấn vải đan và 700 triệu mét vải dệt mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20-25% lượng vải dệt này đủ chất lượng để sản xuất thành phẩm xuất khẩu, trong khi vải đan hầu hết không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu và chỉ được dùng trong nội địa.

Cùng với đó, theo đánh giá, ngành dệt may đang phát triển dựa trên một chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ kéo, dệt, nhuộm hoàn tất vải rồi mới tới may mặc. Trong chuỗi sản xuất liên hoàn này, Việt Nam mới làm tốt được khâu cuối cùng là may mặc.

Tính liên kết, chia sẻ thị trường, phục vụ chung khách hàng, tạo mặt bằng chi phí tốt nhất cho sản xuất trong nước còn hạn chế, trong khi 90% trong tổng số 6.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước còn ở quy mô nhỏ, không phải là mô hình cạnh tranh hiệu quả cho xuất khẩu nếu không có liên kết.

Chính vì vậy, theo PGs.Ts. Phan Tố Uyên, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong chuỗi giá trị toàn cầu hàng dệt may, khâu thiết kế kiểu dáng được làm ở các trung tâm thời trang thế giới tại Paris, London, New York…; vải được sản xuất tại Trung Quốc; phụ liệu khác được làm tại Ấn Độ, khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng được thực hiện tại các quốc gia có chi phí nhân công thấp như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia… Đây là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất.

 

Ông Lê Tiến Trường
TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
-------------------------------

Ngành dệt may đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2017 từ 6,5-7% đạt trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được con số này, cần nỗ lực tổng hợp từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan Nhà nước và hạ tầng kinh tế- xã hội, trong đó tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động/đơn vị sản phẩm, rút ngắn thời gian giao hàng, củng cố mạng lưới logistics.

 

Bà Đỗ Kim Chi - Viện Nghiên cứu Thương mại
-------------------------------

Trong bối cảnh chi phí lao động đã không còn lợi thế cạnh tranh, cần có chính sách khuyến khích sản xuất thiết bị đồng bộ trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hỗ trợ dệt may. Tỷ lệ nội địa hoá thiết bị sẽ góp phần giảm thiểu giá thành của sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là giải pháp căn bản, để hạn chế bớt những bất lợi về tỷ giá.

 

PGs.Ts. Phan Tố Uyên
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
-------------------------------
Sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất đi nhiều nơi, Việt Nam có tên trong top 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng giá trị thu về rất thấp. Theo ước tính, khoảng 90% DN may mặc của Việt Nam tham gia vào khâu này của chuỗi giá trị dưới hình thức gia công.

Lê Thúy


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan