Năm 2015 EVN đã tự xử lý 3.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá

BizLIVE - 20/01/2017 2:04:30 CH


Năm 2017 nếu có những biến động giá cơ sở đầu vào, chi phí nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ nguồn điện thuỷ điện, nhiệt điện, tuabin khí… chi phí sản xuất điện cao hơn từ 7% có thể tiến hành điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết.


Tại buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra sáng 20/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, vấn đề tăng giá hay không tăng giá điện trong thời gian tới đây là vấn đền được dư luận, các hộ tiêu thụ điện quan tâm.

Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng giá điện cơ sở năm 2017, tính toán dựa trên số liệu của 2015 và ước tính 2016, Bộ Công Thương thẩm định, trường hợp có những biến động của giá cơ sở đầu vào như chi phí nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ nguồn điện thuỷ điện, nhiệt điện, tuabin khí… “Nếu chi phí cao hơn từ 7% tiến hành điều chỉnh giá điện “Chúng tôi đang điều tra giá cơ sở và hiện chưa quyết định điều chỉnh giá điện”, ông Tuấn thông tin.

"Mỗi lần tính toán điều chỉnh tăng giá điện đều tính toán ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, các hộ sản xuất, nhà máy sản xuất thép, giấy, xi măng, tuỳ theo mức độ Bộ Công Thương và Chính phủ quyết định điều chỉnh. Khi chúng ta có khung giá bán lẻ, giá cơ sở, khi phát sinh, tăng bao nhiêu, tăng thời điểm nào. Giả thiết tăng do nhiên liệu tăng nhưng tỷ giá giảm thì cũng không có lý do tăng giá điện", ông Tuấn nói thêm.

Cũng theo ông Tuấn, năm 2015, giá than cơ bản ổn định, khí tăng 2%, giá dầu cơ bản giảm. Năm 2015, yếu tố quan trọng là nhà máy thuỷ điện không đạt được sản lượng như kế hoạch đề ra ban đầu, vì thuỷ văn năm 2015 không có nhiều thuận lợi, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thuỷ điện giảm phải bù từ nhà máy nhiệt điện than, khí. “Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng giá thành, chi phí mua điện từ nhiệt điện, tuabin khí cao hơn thuỷ điện”, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nói.

 

Báo cáo của EVN cho biết, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập – Công ty TNHH  Deloitte Việt Nam, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015 bao gồm chênh lệch tỷ giá, cước vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM.

Cụ thể, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ luỹ kế đến 31/12/2015 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn, khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn EVN khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.545,37 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 1 là 2.554,60 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 2 là 3.316,54 tỷ đồng… Cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí là 580 tỷ đồng. “Khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được tính toán và đưa dần vào giá điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2015 EVN đã tự xử lý 3.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá. “Theo chế độ kế toán hạch toán hết trong năm nhưng riêng EVN việc hạch toán vào đẩy giá thành điện lên cao, nếu giá điện không tăng lên được EVN sẽ lỗ. Lỗ do khách quan, do chính sách, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hạch toán dần 5 năm, khi nào có điều kiện đưa vào giá điện hoặc EVN tự giảm giá thành được sẽ hạch toán vào giá thành”, ông Tri nói.

 

NGUYỄN THẢO

 


 Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Các tin liên quan