SCIC đầu tư 1 tỷ USD vào điện, nước, y tế

ĐTTC - 23/02/2017 1:51:17 CH


Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết đến nay đã đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) thu về từ quá trình bán vốn DNNN vào nhiều lĩnh vực như điện, nước và y tế.

Cũng theo vị này, về nguyên tắc SCIC là nhà đầu tư tài chính nên khi đầu tư dự án có thiên hướng đi cùng các nhà đầu tư có kinh nghiệm. Trong lĩnh vực y tế, SCIC đã phối hợp với Bệnh viện K đầu tư cơ sở khám chữa bệnh ung thư, phối hợp với đối tác đầu tư vào dự án sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp.

 

Cần làm rõ việc sử dụng vốn nhà nước khi bán tài sản DN, ngoài thiết lập quỹ đầu tư phát triển vốn, phần còn lại nộp về ngân sách, vấn đề nộp về để làm gì? Đây là vấn đề đáng lưu ý, nếu không bán tài sản lại để ăn tiêu mà không đầu tư, nghĩa là ăn vào tài sản đang có sẽ rất nguy hiểm.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương

Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, SCIC đã đầu tư vào các dự án phát triển nguồn điện, và nước sạch đô thị. Cụ thể, SCIC đã đầu tư vốn vào các dự án Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Phả Lại. Thời gian qua, SCIC cũng đề xuất thành phố Hà Nội để trở thành nhà đầu tư rót vốn vào dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn II.

 

Theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội, giai đoạn II của dự án có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng từ nguồn tự có của Công ty Nước sạch Vinaconex và nguồn vay thương mại. Theo kế hoạch, dự án này được tổ chức đấu thầu từ đầu năm 2016 để chọn đơn vị thi công, dự kiến hoàn thành sau 48 tháng nhưng đến nay chưa thể khởi công do sự cố trong công tác lựa chọn nhà thầu thiếu minh bạch, nên đến nay dự án chưa thể khởi công.

Ông Nguyễn Hồng Hiển cho biết thêm, trong chiến lược phát triển đang được xây dựng, SCIC sẽ dịch chuyển hoạt động từ tiếp nhận, tái cơ cấu các DNNN sang đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Hoạt động tiếp nhận, tái cơ cấu DNNN giảm đi thì hoạt động kinh doanh vốn sẽ tăng lên. SCIC sẽ tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề chưa thực sự hấp dẫn khu vực tư nhân.

Với nhiệm vụ bảo toàn và kinh doanh vốn nhà nước, thời gian qua phần vốn nhà nước sau khi SCIC thực hiện bán vốn tại các DN sẽ thu về SCIC. Nguồn tiền này trước tiên được SCIC sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ, thuế, phí với nhà nước; sau đó trích lập quỹ đầu tư, cung cấp vốn cho hoạt động đầu tư đứng tên SCIC và nộp ngân sách nhà nước. Hình thức đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của SCIC cũng rất đa dạng, như đầu tư hiện hữu vào các DN. Tức là các DN khi chuyển giao về SCIC có nhu cầu tăng vốn, SCIC phối hợp các bộ, địa phương tiến hành tăng vốn. Trên cơ sở đó, DN có nguồn vốn đảm bảo kinh doanh, kinh doanh tốt sẽ có cổ tức, gia tăng giá trị cổ phiếu, cổ phần của DN và của chính SCIC tại DN.

Hướng đầu tư thứ hai, SCIC đầu tư các cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, đầu tư vào các DN đang hoạt động, DN mới thành lập. SCIC luôn tìm kiếm những dự án hiệu quả để đầu tư.

Trước sự ái ngại của các bộ, ngành khi chuyển giao quyền sở hữu vốn nhà nước tại DN về SCIC, ông Nguyễn Hồng Hiển trấn an, việc chuyển giao DN về SCIC không có nghĩa DN thoát ly khỏi bộ, ngành và địa phương. SCIC đóng vai trò cổ đông nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, còn hoạt động của công ty cổ phần đó vẫn phải chịu sự điều chỉnh về chuyên ngành và quản lý của địa phương trên địa bàn. DN làm ra lợi nhuận, nộp thuế tại địa phương nơi hoạt động. SCIC chỉ đóng vai trò bảo vệ, duy trì, phát triển phần vốn nhà nước tại DN.

 

Đăng Tuân

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan