Cao su Việt tính kế chống “co kéo”

- 2017/05/12 8:28:40


Bộ Công Thương đánh giá, năm 2016, lượng cao su xuất khẩu (XK) đạt 1,25 triệu tấn với kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng và 9,2% về trị giá so với năm 2015. Đây là kết quả tích cực đối với ngành cao su Việt Nam sau một thời gian dài sụt giảm cả về lượng và giá.

Cũng theo Bộ Công Thương, XK cao su vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ba thị trường lớn: Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ, chiếm gần 75% tổng kim ngạch XK cao su Việt Nam trong năm 2016. Trong đó, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của cao su Việt Nam với kim ngạch đạt 994 triệu USD, tăng 30,2%.

Thừa cứ thừa, thiếu vẫn thiếu

Bộ Công Thương phân tích, XK sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, đặc biệt trong bốn tháng cuối năm do tình trạng lũ lụt ở Thái Lan khiến nguồn cung cao su của nước này năm 2017 dự đoán giảm 7,6% và giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Năm hàng năm không phải là mùa cạo mủ nên các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường tích trữ cao su vào bốn tháng cuối năm 2016 để phục vụ ngành sản xuất ô tô của nước này; ngành ô tô Trung Quốc hồi phục do tác động từ các chính sách mới của nước này.

Mới đây nhất, theo thống kê sơ bộ, từ ngày 30/3/2017 đến 13/4/2017, XK cao su thiên nhiên của Việt Nam đã nâng sản lượng lên hơn 23.000 tấn, tăng 100 tấn so với cuối tháng 3/2017 do nhu cầu tăng của các đối tác Trung Quốc.

Trong khi thị trường Trung Quốc gia tăng lượng cao su nhập khẩu (NK) từ Việt Nam, hai thị trường XK chính còn lại là Ấn Độ và Malaysia đang tìm cách thoát khỏi sự “lệ thuộc” Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch XK cao su năm 2016 sang Ấn Độ đạt 116,7 triệu USD, giảm 8,2%.

Đối với Malaysia – thị trường lớn thứ ba, đặc thù NK khác biệt hẳn so với Trung Quốc và Ấn Độ, chủ yếu NK cao su để chế biến lại nhằm phục vụ sản xuất dòng lốp cao cấp hoặc XK tiếp sang các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc…

Trong bối cảnh cung vượt cầu diễn ra suốt thời gian dài (2011 – 2016) và nhu cầu sản phẩm cấp cao chưa hồi phục, Malaysia giảm dần NK cao su từ Việt Nam. Kim ngạch XK cao su năm 2016 sang Malaysia giảm mạnh 42,5%, đạt 128,9 triệu USD.

Bộ Công Thương đánh giá, sản xuất cao su hiện nay còn một số khó khăn cho XK như hệ thống quản lý chất lượng thiếu chặt chẽ và đồng bộ nên chất lượng cao su XK không đồng đều, chưa đảm bảo được yêu cầu của thị trường; chủng loại sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hiện tại, Việt Nam NK cao su từ 16 quốc gia trên thế giới, trong đó Hàn Quốc chiếm 18,6% tổng lượng cao su NK, Campuchia là thị trường NK cao su lớn thứ hai của Việt Nam, tiếp theo tới Thái Lan (đối thủ về XK), đạt 14,4 nghìn tấn, trị giá 27,1 triệu USD, tăng 101,61% về lượng và 178,92% về trị giá so với cùng kỳ.

“Kết thúc quý I năm nay, NK cao su từ các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương ở cả lượng và trị giá, chiếm 81,25%. Trong khi đó, số thị trường nhập với tốc độ suy giảm chỉ chiếm 18,75%”, Tổng cục Hải quan nhận xét.

Trước đó, Bộ Công Thương từng cho biết, trong giai đoạn từ 2010 – 2014, Việt Nam đã xuất 11,8 tỷ USD, chiếm gần 8% kim ngạch XK của toàn cầu. Tuy nhiên, lượng cao su NK trong giai đoạn này cũng tăng 2,24%/năm với tổng sản lượng NK lên đến 320.000 tấn, tương đương 37% sản lượng khai thác trong nước.

Tuy có nhiều nguyên nhân nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến lượng cao su NK tăng là do chất lượng cao su chế biến tại chỗ còn yếu kém nên nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước phải NK nguyên liệu tinh đáp ứng nhu cầu sản xuất.
 

Muốn nắm bắt cơ hội, cao su Việt phải thay đổi



Vướng cơ chế xuất khẩu

Trở lại câu chuyện XK, mới đây trong một văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, DN ngành cao su đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc rất lớn, làm hạn chế việc mở rộng XK.

Cụ thể, theo Hiệp hội này, chính sách không kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng đối với nông – thủy sản sơ chế XK đã được áp dụng từ năm 2014 giúp lượng XK của nông – thủy sản Việt Nam gia tăng rất mạnh.

Riêng mặt hàng cao su thiên nhiên, cũng là nông sản sơ chế, lại không được áp dụng chính sách ưu đãi này, trong khi DN XK cao su phải nộp thuế giá trị gia tăng, tuy được hoàn lại sau khi XK nhưng DN mất thời gian chờ đợi (từ 3 đến 9 tháng), gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng.

“Khó khăn này càng lớn khi XK càng nhiều nên một số DN đã hạn chế XK cao su thiên nhiên hoặc chuyển sang XK nông sản khác”, Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ.

Đặc biệt, nếu khó khăn này không được tháo gỡ, XK cao su thiên nhiên sẽ không đáp ứng được tiềm năng sản lượng của nông hộ tiểu điền, hiện chiếm trên 50% sản lượng cả nước, vì ngày càng khó tiêu thụ cao su thiên nhiên trong bối cảnh giá thấp kéo dài, do dư cung trên thế giới còn nhiều tới năm 2020.

Cùng với đó, từ phân tích thị trường nguồn cung cao su trên thế giới, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo, trong quý II năm nay, sản xuất cao su tự nhiên của các nước ANRPC sẽ tăng lên 5,8% tương ứng 2,491 triệu tấn (năm ngoái là 2,355 triệu tấn).

Ngoài ra, Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới đang phối hợp với Malaysia và Indonesia giảm nguồn cung cao su nhằm bình ổn giá mặt hàng này trên thị trường, trong khi Thái Lan cũng thông qua quyết định mở rộng chương trình trợ cấp giá cao su trị giá 20 tỷ baht cho các cơ sở sản xuất cao su tư nhân để giúp họ thúc đẩy sản xuất.

“Khi các thị trường lớn vực dậy sản xuất và ổn định giá sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng hơn sức cạnh tranh về thị trường cao su Việt Nam”, ANRPC nhận định.

Được biết hiện nay, nguồn cung cao su tự nhiên hầu hết đến từ các nước Đông Nam Á với tỷ trọng hơn 92,0%, còn lại là các nước châu Phi (4 – 5%), châu Mỹ La tinh (khoảng 2,5 – 3%). Các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam là những nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu, chiếm hơn 80% nguồn cung cao su toàn cầu.


Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa cao su

XK các sản phẩm cao su của Việt Nam có giá trị chỉ bằng 1/10 của Thái Lan, Malaysia. Do đó, để nâng cao chất lượng, các DN cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chế biến và tìm kiếm khách hàng mới cho sản phẩm của mình, đồng thời tăng cường các chương trình triển lãm quốc tế về cao su và lốp xe để giúp DN có cơ hội cập nhật về công nghệ và xây dựng mối quan hệ mới.

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA)

Toàn ngành cao su phấn đấu sau năm 2020 chỉ XK thô 50% sản lượng cao su. Số còn lại sẽ được tinh chế rồi mới XK để tăng giá trị cho cao su thiên nhiên Việt Nam.

Bà Trần Thị Thúy Hoa - Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su (VRA)

Dự báo cho thấy, giá cao su sẽ tăng lên trong ngắn hạn (đến giữa năm 2017), sau đó tiếp tục phục hồi dần về mức trên 2.000 USD/tấn sau năm 2020. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, ngành cao su Việt Nam phải xây dựng thương hiệu, đồng thời nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên trước tiên

 

Lê Thúy


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

 

Các tin liên quan