Cảnh giác nhập siêu tăng đột biến

Thời báo Kinh doanh - 16/05/2017 9:30:45 SA


Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2017 do công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello thực hiện vừa cảnh báo, tình trạng nhập siêu tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở khu vực kinh tế trong nước.

Theo đó, Marketlntello đánh giá, thâm hụt thương mại trong tháng Tư ước đạt khoảng 800 triệu USD, gia tăng thâm hụt bốn tháng đầu năm hơn 2,7 tỷ USD. Cũng trong bốn tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 8,5 tỷ USD vào thâm hụt thương mại, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 5,5 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại

“Đây là mức thâm hụt cao nhất trong bốn tháng đầu năm của nhiều năm gần đây”, báo cáo này nhận định.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm tiếp tục khả quan với tốc độ tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 61,3 tỷ USD với khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp được 27,3%, còn lại thuộc khu vực FDI (kể cả dầu thô).

Về nhập khẩu, bốn tháng đầu năm 2017, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ với khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, khu vực FDI đạt 38,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: máy móc, phụ tùng, điện thoại và linh kiện, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, thức ăn gia súc, kim loại và xăng dầu…

Tình trạng nhập siêu bắt đầu cao trở lại, tháng Ba nhập siêu tới 1,1 tỷ USD, tháng Tư nhập siêu tiếp tục gia tăng 800 triệu USD. Tính chung bốn tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu tới 8,49 tỷ USD, tương đương 49,1% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này và chỉ nhờ khu vực FDI duy trì xuất siêu 5,75 tỷ USD (hơn 4,8 tỷ USD nếu không tính dầu thô) nên thâm hụt thương mại bốn tháng đầu năm 2017 dừng ở 2,74 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trước tình trạng trên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng mạnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn nhiều, ở mức 28,4%, trong khi xuất khẩu tăng 15,4%. Trong đó, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nguyên – nhiên liệu, máy móc, thiết bị… để phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu.

Cùng với đó, giá dầu tăng so với cùng kỳ đã kéo theo giá tăng một số mặt hàng nhập khẩu như nhiên – nguyên liệu của một số ngành sản xuất, các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu có giá trị nhập khẩu phụ thuộc lớn vào dầu thô.

Ông Hải cũng thừa nhận, về cán cân thương mại, từ trước đến nay, khối DN FDI luôn trong trạng thái xuất siêu còn DN trong nước thường ở trạng thái nhập siêu.

Liên quan đến vấn đề tại sao Việt Nam xuất siêu trong khi vẫn nhập khẩu nhiều mặt hàng cùng chủng loại, ông Hải cho biết, Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển xuất khẩu, nhiều nước cũng sẽ có điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam.

Vì vậy, “Điều quan trọng là cần quan tâm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao”, ông Hải nói.


Bốn tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã quay trở lại với sự gia tăng đáng báo động ở mức 2,74 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch XK.


“Sức mạnh” DN trong nước

Cuối tháng 3/2017, khi nhập siêu được công bố trên 1,9 tỷ USD khiến dư luận lo ngại, các chuyên gia cùng với Bộ Công Thương đều nêu quan điểm nhập siêu chưa đáng lo bởi Việt Nam vẫn đang nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Các chuyên gia đánh giá, ở một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, xuất siêu chưa hẳn đáng mừng song nhập siêu chưa chắc đáng lo bởi sẽ là điều đáng mừng nếu nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, sau bốn tháng, nhập siêu không những không suy giảm mà còn tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây khiến các chuyên gia của Bộ Công Thương phải thừa nhận cần theo dõi sát sao diễn biến của nhập siêu trong năm nay để có biện pháp ứng phó kịp thời. Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thời gian tới, để hạn chế nhập siêu, việc quan trọng nhất là phải phát triển sản xuất, nếu sản xuất tốt sẽ đỡ phải nhập khẩu.
Đặc biệt, khi nhập siêu khu vực DN trong nước đang lấn át DN ngoại cho thấy hiện trạng đáng lo của nền kinh tế khi có quá nhiều vấn đề yếu kém như hiệu quả bài toán đầu tư thấp, lệ thuộc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu sản xuất từ các thị trường…

Ts. Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, phân tích, nếu nhập khẩu nhiều là để phục vụ sản xuất, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sản xuất được phục hồi trong thời gian tới. Song mặt khác, việc này cho thấy Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên – nhiên liệu nhập khẩu nên dù có xuất siêu đi nữa cũng không bền vững và nhập siêu có thể quay lại bất cứ lúc nào.

Bằng chứng là năm 2015, cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD nhưng sang năm 2016 xuất siêu được gần 2,7 tỷ USD. Song chỉ trong bốn tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã quay trở lại với sự gia tăng đáng báo động ở mức 2,74 tỷ USD.

Vì vậy, để hạn chế nhập siêu, theo các chuyên gia, cần phải củng cố nội lực của khối DN trong nước, theo đó đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu tuy điều này không hề dễ dàng.

Cũng theo Ts. Hồ, chúng ta đang phải đương đầu với điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nên để nâng cao sức cạnh tranh của khối DN trong nước, đòi hỏi cải cách thật chất, không chỉ hô hào. Thể chế không phải chỉ đưa ra trên giấy, trong quyết định mà phải diễn ra trên thực tế.

“Không DN nào không nỗ lực. Nhưng tôi cho rằng động lực của quản lý mới là mối lo. Động lực của cơ quan quản lý là gì. Đưa ra nhiều quy định rồi. Khuyến khích hỗ trợ quản lý của Nhà nước trên giấy dẫu nhiều nhưng nhiều khi chưa thực hiện”, Ts. Hồ nhận định.

Do đó, theo Ts. Hồ, có thể tạo ra động lực bằng thể chế và bằng chuỗi, liên kết 4 nhà với nhau. Ở Đài Loan, tuy không có tập đoàn lớn nhưng người ta không kém Hàn Quốc về sản phẩm vì họ có chuỗi sản xuất lớn. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào DN FDI, nếu tình trạng này kéo dài mãi, DN tư nhân không thể lớn lên nổi.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định đó là cảnh báo quan trọng vì FDI không có liên kết gì với DN trong nước, đang hoạt động độc lập với DN trong nước, dẫn tới chúng ta bị phụ thuộc vào DN FDI.

“Nguồn cung, nhất là nguyên – vật liệu, máy móc, thiết bị, họ lấy từ khu vực FDI vốn không có sự liên kết hữu cơ với DN trong nước”, bà Hằng nói.

Ngay đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Đáng chú ý, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những mặt hàng nhập khẩu gia tăng đột biến để làm rõ nguyên nhân, chủ động triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo nhập khẩu đúng quy định và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, những sản phẩm sản xuất được trong nước sẽ ưu tiên sử dụng. Bởi vì Việt Nam hiện nay vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như quần áo, điện tử… đang ở mức tương đối cao.

Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Lúc này đang là thời điểm hàng hóa trong nước đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều so với trước đây. Tự do hóa ngày càng đòi hỏi cao hơn, thuế suất ngày càng giảm, hàng nhập dễ thâm nhập thị trường chúng ta. Bây giờ đang có cái mới, bảo hộ lại càng cần phải cạnh tranh, tuy nhiên người ta có thể bảo hộ nhưng Việt Nam ở thế không được bảo hộ. Mình bảo hộ sẽ chẳng có ai chơi với mình.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính – ngân hàng

Nhập siêu lớn sẽ gây sức ép lên tỷ giá, trong bối cảnh áp lực tỷ giá cũng đang là một vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm hai lần nữa trong năm nay
 

Lê Thúy


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

 

Các tin liên quan