Tìm hiểu chi tiết về Nghị định 42/2015 chứng khoán phái sinh

- 01/03/2019 4:56:00 PM


Nghị định 42/2015 chứng khoán phái sinh là một trong những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Nội dung một số điều quan trọng trong nghị định được chúng tôi đề cập dưới đây.

Về việc ban hành, thi hành của nghị định 42/2015 chứng khoán phái sinh

  • Ban hành ngày 05/05/2015 căn cứ trên các bộ Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và Luật chứng khoán sửa đổi.
  • Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

Đối tượng áp dụng nghị định 42 chứng khoán phái sinh

  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh và hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
  • Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

Nghị định 42/2015 chứng khoán phái sinh

Nghị định chứng khoán phái sinh được ra đời với mục đích ban hành những quy định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: 8 chương và 44 điều. 

Chương I: Quy định chung

Trong đó:

  • Điều 1 chương I của Nghị định này quy định về phạm vi điều chỉnh là quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
  • Điều 2 quy định đối tượng áp dụng của nghị định.
  • Điều 3 giải thích một số thuật ngữ trong nghị định về chứng khoán phái sinh.

Chương II: Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh

Quy định về các điều kiện kinh doanh và điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của các các tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh. Nội dung chương II được tóm tắt qua một số điều khoản chính sau:

Điều 4. Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh

Đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh muốn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh:

  • Tổ chức kinh doanh chứng khoán được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán.
  • Đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tài chính:
    • Hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh công ty phải có vốn chủ sở hữu từ sáu trăm (600) tỷ đồng trở lên.
    • Hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh công ty phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ tám trăm (800) tỷ đồng trở lên và được cấp phép hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh.
    • Hoạt động tư vấn chứng khoán phái sinh tổ chức kinh doanh phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt được mức tối thiểu về vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán.
    • Trường hợp hoạt động kinh doanh bao gồm cả tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh thì vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của công ty phải đạt tối thiểu từ tám trăm (800) tỷ đồng trở lên.

Đối với các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, muốn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh:

  • Phải là thành viên thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
  • Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; hoặc công ty chứng khoán đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.
  • Đáp ứng các điều kiện tài chính sau:
    • Đối với thành viên bù trừ trực tiếp:
      • Ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ năm nghìn (5.000) tỷ đồng trở lên.
      • Công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ chín trăm (900) tỷ đồng trở lên.
    • Đối với thành viên bù trừ chung:
      • Ngân hàng thương mại có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ bảy nghìn (7.000) tỷ đồng trở lên.
      • Công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ một nghìn hai trăm (1.200) tỷ đồng trở lên.

Điều 5. Đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ tối đa mười hai (12) tháng đối hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong các trường hợp:

  • Phát hiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh có tài liệu giả mạo, hoạt động kinh doanh sai mục đích, không đúng với hoạt động kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận,
  • Công ty Bị kiểm soát hoạt động, kiểm soát đặc biệt và các trường hợp bị đình chỉ hoạt động khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Chứng khoán.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán phải chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong các trường hợp sau:

  • Sau thời hạn đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mà vẫn không khắc phục được các vi phạm dẫn tới bị đình chỉ hoạt động.
  • Giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động

Chương III: Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh

Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh

Chương III gồm 17 điều, quy định về sản phẩm chứng khoán phái sinh được giao dịch trên thị trường và cách thức tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh, được tóm tắt qua các điều khoản sau:

Điều 6. Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh

Theo đó, các sản phẩm Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm:

  • Hợp đồng tương lai.
  • Quyền chọn niêm yết.
  • Hợp đồng kỳ hạn.
  • Chứng khoán phái sinh niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh phải đảm bảo nội dung chủ yếu sau:

  • Thông tin về tài sản cơ sở bao gồm: Tên, mã và các thông tin khác về tài sản cơ sở.
  • Thông tin về chứng khoán phái sinh bao gồm:
    • Quy mô hợp đồng.
    • Phương thức giao dịch, phương thức thực hiện thanh toán, phương thức xác định giá thanh toán cuối ngày.
    • Giới hạn vị thế.
    • Thời hạn giao dịch.
    • Tháng đáo hạn, ngày thanh toán cuối cùng, ngày giao dịch cuối cùng, ngày niêm yết.
    • Bước giá, đơn vị yết giá, biên độ dao động giá.
    • Giá tham chiếu, giá thanh toán, mức ký quỹ.
  • Trường hợp chứng khoán phái sinh là quyền chọn phải có thêm thông tin về loại quyền chọn (mua hoặc bán), kiểu quyền chọn (châu Âu hoặc Mỹ), giá thực hiện, thời gian thực hiện.

Điều 8. Quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh

Tổ chức, cá nhân được tự do đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh, trừ các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể dưới đây:

Các quy định chặt chẽ về đầu tư chứng khoán phái sinh giúp thị trường đi vào hoạt động hiệu quả và ổn định

  • Công ty chứng khoán chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tự doanh chứng khoán phái sinh.
  • Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư; công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình, kể cả nguồn vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đưuợc đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
  • Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
  • Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu cho phép.

Chương IV: Bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh

Chương IV gồm 10 điều, quy định về tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh, quyền nghĩa vụ của thành viên bù trừ, nguyên tắc, biện pháp giải quyết phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư. Một số nội dung chính được tóm tắt qua các điều khoản sau:

Điều 23. Nguyên tắc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bảo đảm khả năng bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ thông qua các cơ chế bảo đảm thanh toán và phòng ngừa rủi ro.

Việc thanh toán, quyết toán giao dịch chứng khoán phái sinh bằng tiền giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và các thành viên bù trừ được thực hiện dưới hình thức chuyển khoản thông qua ngân hàng thanh toán theo quy định pháp luật.

Điều 26. Quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư

Để Quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ nhà đầu tư và thành viên bù trừ và nhà đầu tư cần thực hiện theo các yêu cầu sau:

  • Nhà đầu tư phải ký quỹ đầy đủ và kịp thời cho thành viên bù trừ theo các điều khoản của hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Việc ký quỹ của nhà đầu tư được thực hiện bằng tiền, chứng khoán của chính nhà đầu tư. Chứng khoán ký quỹ phải là chứng khoán nằm trong danh mục tài sản được thành viên bù trừ chấp nhận ký quỹ.
  • Hàng ngày và trong các phiên giao dịch có giá chứng khoán biến động mạnh, thành viên bù trừ tính toán lãi lỗ vị thế, đánh giá lại giá trị tài sản ký quỹ, bảo đảm nhà đầu tư luôn duy trì ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng và phù hợp với quy định pháp luật.
  • Nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ trong trường hợp giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư xuống thấp hơn mức ký quỹ duy trì.
  • Trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật về phá sản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư không phải là tài sản của thành viên bù trừ. Tài sản này chỉ được sử dụng để thanh toán, bảo đảm thanh toán cho vị thế mở của nhà đầu tư. Phần tài sản còn lại sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư thì phải được hoàn trả ngay cho nhà đầu tư.

Điều 28. Cơ chế phòng ngừa rủi ro tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa rủi ro cho hệ thống thanh toán và bảo vệ nhà đầu tư:

  • Điều chỉnh các loại mức ký quỹ quy định.
  • Yêu cầu thành viên bù trừ đóng góp bổ sung vào Quỹ bù trừ.
  • Điều chỉnh giới hạn vị thế áp dụng cho thành viên bù trừ, nhà đầu tư.
  • Đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế mở của nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán.
  • Sử dụng Quỹ bù trừ và thực hiện các biện pháp khác theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 19 Nghị định này.

Chương V: Nghĩa vụ công bố thông tin báo cáo

Chương VI: Quản lý giám sát

CHương VII: Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại

Chương VIII: Điều khoản thi hành

Trên đây là những nội dung của nghị định 42/2015 chứng khoán phái sinh. Mong rằng các nhà đầu tư sẽ tuân thủ các quy định cũng như áp dụng hiệu quả để đạt được lợi nhuận đầu tư cao nhất!  

Các tin liên quan