Blog kiến thức đầu tư

Định giá hợp đồng tương lai

BSC -
14/03/2019

Khi một hợp đồng tương lai ra đời, các nhà đầu tư sẽ đặt ra các câu hỏi như định giá hợp đồng tương lai như thế nào, công thức định giá hợp đồng tương laigiá trị của hợp đồng tương lai ra sao? Bất kỳ một sản phẩm nào trước khi ra mắt thị trường đều phải trải qua quá trình định giá. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn nguyên tắc định giá hợp đồng tương lai!

1. Giá trị của hợp đồng tương lai

1.1. Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai là một hợp đồng chuẩn hóa giữa bên bán và bên mua về việc giao dịch một tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá xác định trước. Khi tham gia vào hợp đồng tương lai, bên mua và bên bán đều được biết trước về:

  • Loại hàng hóa (tài sản) sẽ mua – bán là gì
  • Khối lượng hàng hóa (tài sản) sẽ mua – bán là bao nhiêu
  • Thời điểm diễn ra giao dịch đó
  • Giá giao dịch.

Trong đó, tài sản cơ sở có thể là hàng hóa (commodities) và các công cụ tài chính (financial instruments) như: Cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu và công cụ lãi suất, ngoại tệ, hàng hóa nông nghiệp, kim loại và năng lượng… tương ứng với từng tài sản cơ sở sẽ xác định được giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai.

1.2. Giá trị của hợp đồng tương lai được xác định như thế nào?

Giá giao dịch của hợp đồng tương lai được xác định bởi cung và cầu của thị trường. Người mua và người bán đặt lệnh và lệnh được khớp thông qua hình thức đấu giá liên tục trên sở giao dịch.

Trong một thỏa thuận tương lai, sự hình thành nên giá tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố cấu thành. Cụ thể, với bản chất là một thỏa thuận mang yếu tố “tương lai”, sự hình thành giá tương lai tại thời điểm hiện tại sẽ phụ thuộc vào các khoản chi phí phát sinh cùng những kỳ vọng tương lai trong thời kỳ tồn tại của hợp đồng tương lai.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị hợp đồng tương lai

Nhân tố ảnh hưởng đến định giá HĐTL

2.1 Giá giao ngay kỳ vọng (E(ST))

Giá giao ngay kỳ vọng là mức giá giao ngay kỳ vọng của nhà đầu tư tại thời điểm đáo hạn hợp đồng. Thông thường mức giá kỳ vọng này sẽ lớn hơn giá tương lai đối với vị thế giá lên và thấp hơn giá tương lai đối với vị thế giá xuống.

2.2. Phần bù rủi ro (E(Φ))

Trong giả định thị trường không chắc chắn và nhà đầu tư là người e ngại rủi ro, lúc này nhà đầu tư sẽ thỏa thuận một mức giá tương lai thấp hơn và khoản chiết khấu đó chính là phần bù rủi ro trên tài sản cơ sở.

2.3. Chi phí tồn trữ (s)

Đó là các khoản chi phí tồn trữ, bảo quản tài sản nhằm duy trì lợi ích kinh tế của tài sản trước khi tài sản được chuyển giao cho bên nắm giữ hợp đồng tương lai tại thời điểm đáo hạn hợp đồng. Chi phí này sẽ do bên bán hợp đồng gánh chịu.

2.4. Chi phí cơ hội (iS0)

Chi phí cơ hội chính là khoản tiền lãi phải mất tính trên S0 đầu tư vào tài sản trong suốt thời kỳ. Mức lãi suất tạm tính trong bài viết sẽ là mức lãi suất phi rủi ro thực trên thị trường.

Bên cạnh đó, đối với các loại tài sản cơ sở tạo ra dòng tiền như cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán… thì tài sản cơ sở còn có thể phát sinh các dòng tiền mặt xuyên suốt thời gian tồn tại của hợp đồng (DT) (ví dụ chi trả cổ tức, tiền lãi trái phiếu…)

Đối với các các loại tài sản như trên, dòng tiền phát sinh sẽ làm giảm đi chi phí cơ hội mất đi trên mỗi tài sản và  vì vậy, chi phí cơ hội lúc này sẽ phải trừ đi cho bất kỳ dòng tiền mặt nào nhận được từ tài sản trong thời gian tồn tại của hợp đồng. Hiệu số này (iS0 – DT) được gọi là lãi ròng. Mức lãi ròng này có thể mang giá trị âm nếu dòng tiền nhận được vượt trội hoàn toàn so với cơ hội phí của việc nắm giữ tài sản.

Các nhân tố kể trên sẽ được thể hiện trong một phương trình toán học thể hiện mối quan hệ giữa giá giao ngay tương lai và giá giao ngay tài sản hiện tại:

S0 = E(ST) - s – (iS0 - DT) - E(Φ)

Trong phương trình trên, sự kết hợp giữa chi phí tồn trữ (s) và lãi ròng (iS0 – DT) được gọi là chi phí lưu trữ (cost of carry) và được ký hiệu là θ. Chi phí lưu trữ dương nếu chi phí tồn trữ vượt quá phần lãi ròng và chi phí lưu trữ sẽ âm nếu phần lãi ròng này đủ lớn để bù đắp được chi phí tồn trữ.

Lúc này, phương trình quan hệ sẽ được viết lại một cách ngắn gọn hơn:

S0 = E(ST) – θ - E(Φ)

với  θ = s + iS0 - DT

Như vậy, giá giao ngay hiện tại sẽ phản ánh các khoản chi phí phát sinh, cơ hội phí, kỳ vọng về giá giao ngay tài sản và những biến động giá tài sản trong tương lai.

Lưu ý: Nhà đầu tư cần nắm vững bản chất của tài sản cơ sở để có thể thiết lập nên các mô hình định giá tương lai dựa trên các nhân tố đầu vào phù hợp nhất.

  • Các nhân tố ảnh hưởng đến giá tương lai không phải lúc nào cũng có sự đồng tác động ở tất cả các loại tài sản cơ sở. Với các loại tài sản không lưu kho và giá tài sản không phụ thuộc vào mối quan hệ cung-cầu hiện tại (điện, năng lượng gió, thủy triều…), mối quan hệ giữa các nhân tố này là không xảy ra.
  • Đối với các loại tài sản mà thời gian tồn kho có thể kéo dài vô hạn như cổ phiếu, kim loại, dầu mỏ… thì giá tương lai được xác định chủ yếu dựa trên cung-cầu, chi phí lưu trữ loại bỏ chi phí tồn trữ và phần bù rủi ro trên giá tài sản.

3. Mô hình định giá hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu

Định giá hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu có một đặc tính là các cổ phiếu trong danh mục cấu thành chỉ số cơ sở có thể trả cổ tức trong thời gian hiệu lực của hợp đồng tương lai. Với giả định các khoản cổ tức này đều được biết trước thời điểm thiết lập hợp đồng. Giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu được xác định theo nguyên lý cân bằng chi phí theo mô hình Cost of Carry và được rút gọn lại như sau:

Giá tương lai = Giá cơ sở + (Lãi vay – cổ tức)

Trong trường hợp sử dụng lãi suất gộp liên tục:

F = Se(r-d)T

  • S: giá cơ sở
  • e: hằng số = 2.71
  • r: lãi suất vay
  • d: lợi suất cổ tức bình quân của chỉ số
  • T: thời gian nắm giữ đến đáo hạn

Theo thông số của mô hình, với thông tin VN30 ngày 12/7/2017 đang giao dịch tại 755 điểm.

  • HĐTL tháng 7, VN30F1707 nên giao dịch tại 756.4 điểm
  • HĐTL tháng 8, VN30F1708 nên giao dịch tại 761.4 điểm

Giá tham chiếu của phiên giao dịch đầu tiên, do Sở giao dịch công bố, cũng sẽ dựa trên nguyên tắc định giá này và sau khi định giá xong giá trị của hợp đồng tương lai sẽ giao động xung quanh giá trị hợp lý như sau:

Do đó, người mua và người bán nên mua và bán hợp đồng xung quanh giá trị hợp lý được đề xuất theo mô hình định giá ở trên, với giả định về chi phí đầu tư là 12% và cổ tức bình quân là 3.5%/năm.

Bất kỳ tại một thời điểm nào đó, khi giá giao dịch trên thị trường của hợp đồng tương lai rời xa khỏi đường giá trị hợp lý, các thành viên thị trường, nhà tạo lập Market marker sẽ thực hiện chiến lược kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) để kéo giá giao dịch về gần giá trị hợp lý. Và nếu thị trường cơ sở giao dịch trong trạng thái bình thường, cũng chính hoạt động arbitrage sẽ đảm bảo thị trường phái sinh luôn có thanh khoản.

4. Công thức định giá hợp đồng tương lai

Định giá hợp đồng tương lai

Giá trị hợp lý (fair value) của hợp đồng tương lai (Ft) được dẫn ra từ giá cơ sở (St) theo các trường hợp sau đây:

4.1. Khi tài sản cơ sở không phát sinh dòng tiền

Thông qua các giao dịch chênh lệch giá, giá hợp đồng tương lai là giá trị tương lai của giá giao ngay tính theo lãi suất gộp phi rủi ro.

Ft = St (1+r)T

Với r là lãi suất phi rủi ro và T: thời gian nắm giữ đến đáo hạn.

Và nếu sử dụng lãi suất gộp liên tục, với hằng số e = 2.71, công thức sẽ là:

Ft = St*erT

4.2 Khi tài sản cơ sở có phát sinh dòng tiền

Trong trường hợp tài sản cơ sở đem lại thu nhập (thể hiện bằng dòng tiền dương trong thời gian hiệu lực của hợp đồng tương lai), giá trị tương lai của các dòng tiền này phải trừ khỏi giá trị tương lai của giá giao ngay. Nếu I là giá trị hiện tại của các khoản thu nhập từ tài sản cơ sở. Công thức định giá hợp đồng tương lai sử dụng lãi suất phi rủi ro tính gộp liên tục sẽ là:

Ft = (St – I) * erT

4.3. Khi tài sản cơ sở có chi phí lưu trữ

Giá trị hợp lý (fair value) của hợp đồng tương lai được dẫn ra từ giá cơ sở (cash price) theo nguyên tắc cân bằng chi phí

Fair Value of the Futures = Spot Price + Cost of Carry

Tại thời điểm t, người bán nếu bán giao ngay thì sẽ được giá St. Nếu người bán giữ hàng đến thời điểm T trong tương lai để giao hàng cho người mua thì phải chịu thêm chi phí giữ hàng C từ thời điểm T. Chi phí này cũng được gọi là chi phí lưu kho (inventory cost, cost of carry).

Ft = St + C(t,T)

4.4. Khi tài sản cơ sở có giá trị tiện ích (convenience yield)

Giá trị hợp lý (fair value) của hợp đồng tương lai được dẫn ra từ giá cơ sở (cash price) theo nguyên tắc cân bằng chi phí và lợi ích có được từ tài sản cơ sở.

Fair Value of the Futures = Spot Price + Cost of Carry – Convenience Yield

Ft = St + C(t,T) – CY(t,T)

Hi vọng các kiến thức cơ bản về định giá hợp đồng tương lai nêu trên sẽ phần nào giúp các nhà đầu tư có thể nắm vững nguyên tắc cơ bản để chọn cho mình sản phẩm đầu tư phù hợp và dự đoán mức giá trong tương lai của tài sản mình nắm giữ.

Nguồn tham khảo: Cuốn An Introduction to Derivatives and Risk Management của Don M.Chance và Robert Brooks

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh