REE: Nữ tướng Mai Thanh chuyển hướng, REE ráo riết thoái vốn Nhiệt điện Phả Lại

VietNam Finance - 12/07/2024 11:54:45 SA


Với định hướng tập trung phát triển năng lượng tái tạo và thoái vốn khỏi mảng nhiệt điện, REE trong thời gian qua liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu PPC.

Công ty TNHH Năng lượng REE – công ty con của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE) vừa đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu PPC của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) trong thời gian từ ngày 17/7 đến ngày 14/8, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.

Tạm tính theo thị giá của PPC, REE có thể thu về hơn 30 tỷ đồng từ giao dịch này. Được biết, đây là lần thứ 5 trong năm REE muốn bán ra cổ phiếu của Nhiệt điện Phả Lại.

Tổng cộng từ đầu năm 2024 đến nay, REE đã đăng ký bán ra 13 triệu cổ phiếu PPC, và trên thực tế đã bán được hơn 8,9 triệu đơn vị. Tỷ lệ sở hữu giảm từ 23,5% (đầu năm) về 20,74%. Nếu hoàn tất giao dịch nêu trên, tỷ lệ sở hữu sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20,11%.

Có thể thấy, REE đang ráo riết thoái vốn Nhiệt điện Phả Lại khi liên tục đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu PPC. Theo đó, tại 2 phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của REE, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đều chia sẻ về định hướng thoái vốn khỏi mảng nhiệt điện và tập trung vào phát triển năng lượng sạch.

Cuối tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE đã đặt vấn đề về công tác quản trị, điều hành tại Nhiệt điện Phả Lại, làm thiệt hại về lợi nhuận trong hơn 2 năm qua khoảng 400-500 tỷ đồng.

Theo bà, việc giữ lại cổ phần tại Nhiệt điện Phả Lại được đánh giá là tốt cho REE, tuy nhiên để tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, REE vẫn lập kế hoạch thoái vốn mảng nhiệt điện vào thời điểm hợp lý nhất.

Tại Nhiệt điện Phả Lại, 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn là REE, Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) và Samarang Ucits – Samarang Asian Prosperity. Trong đó Genco2 là cổ đông lớn nhất.

Nhìn lại khoản đầu tư vào Nhiệt điện Phả Lại của REE, doanh nghiệp này bắt đầu mua vào hơn 70 triệu cổ phiếu PPC từ những tháng cuối năm 2012, với số tiền đã chi ước tính hơn 700 tỷ đồng để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 22,26%.

Lãnh đạo REE khi đó cho biết việc đầu tư vào Nhiệt điện Phả Lại đã được lên kế hoạch từ trước, với mục đích là gia tăng sự tham gia của REE vào những ngành cơ sở hạ tầng. Trong các giao dịch đầu tư vào Nhiệt điện Phả Lại ở thời điểm đó của REE, hơn một nửa là nhận chuyển nhượng từ Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance).

Cuối năm 2020, REE chuyển nhượng toàn bộ hơn 77 triệu cổ phiếu PPC, tương đương 24,14% vốn của công ty nhiệt điện này sang công ty con là Năng lượng REE. Đây là động thái cơ cấu, sắp xếp lại các mảng kinh doanh của REE về các công ty con theo từng nhóm năng lượng, bất động sản,…

Hiện REE đang góp vốn sở hữu 2 nhà máy nhiệt điện than là Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) với tổng công suất thiết kế là 1.140MW. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong quý I/2024, điện than được tăng cường huy động, giúp sản lượng nhiệt điện của REE đạt 1.274 tỷ kWh.

Trong nửa đầu năm 2024, KBSV đánh giá điện than sẽ duy trì tăng trưởng sản lượng huy động nhờ thủy điện duy trì tích trữ nước; trong khi giá than duy trì xu hướng hạ nhiệt từ đỉnh năm 2023 sẽ thúc đẩy lượng than Việt Nam nhập khẩu cho sản xuất điện.

Theo KBSV, với thuận lợi về vị trí trong việc truyền tải điện năng tại miền Bắc và công suất lớn, Nhiệt điện Phả Lại sẽ tiếp tục được duy trì huy động phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng cao vào mùa cao điểm, qua đó đóng góp 1.200kWh vào tổng sản lượng điện trong quý II/2024 của REE.

Từ nửa cuối năm 2024, do thời tiết dần chuyển sang pha La-Nina, đem lại lượng mưa cao hơn và hỗ trợ sản lượng huy động từ thủy điện, tăng trưởng huy động điện than sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm, song tiếp tục tăng trưởng dương so với cùng kỳ do điện than là nguồn điện có công suất phát điện ổn định nên tiếp tục giữ tỷ trọng cao trong tổng sản lượng điện, giúp sản lượng và lợi nhuận sau thuế mảng nhiệt điện cả năm của REE ước đạt 4.180 triệu kWh (tăng 8,3%) và 96 tỷ đồng (tăng 11,62%).

Hải Đường-Link gốc

Các tin liên quan