Quy định bắt buộc vi chất vào muối, bột mì: Lãng phí, gây khó cho doanh nghiệp?

Báo tuổi trẻ - 16/07/2024 10:10:16 SA


Quy định bắt buộc vi chất vào muối, bột mì: Lãng phí, gây khó cho doanh nghiệp?
 
 
Theo các doanh nghiệp, việc bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản xuất mì ăn liền là không cần thiết, hạn chế quyền lựa chọn của người dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
 
Ngày 15-7, tại TP.HCM, 6 hội và hiệp hội ngành hàng thực phẩm đã cùng ngồi lại để tiếp tục góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm của Bộ Y tế, vốn được đánh giá gây "lãng phí và kém hiệu quả" cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm.
 
Sau 8 năm kiến nghị, quy định bắt buộc bổ sung i ốt vào muối và sắt, kẽm vào bột mì tưởng chừng được lắng nghe lại "xuất hiện" trong dự thảo sửa đổi nghị định 09 của Bộ Y tế. Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM - cho rằng việc quy định phải bổ sung muối i ốt, sắt... khi chế biến thực phẩm đã gây bất cập cho các đơn vị sản xuất.
 
Ông Vũ Thế Thành - chuyên gia độc lập, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng quy định này bắt nguồn từ mục đích Việt Nam muốn bổ sung kẽm, sắt để tăng chiều cao cho trẻ em, và các chất này chủ yếu nằm trong thịt, cá...
 
"Khi còn nghèo đói, thực phẩm thịt cá còn hạn chế nhưng nay đã khác. Việt Nam có còn bị xem thiếu dinh dưỡng không?", ông Thành nêu câu hỏi và cho rằng nên khuyến khích phủ vi chất để bán ở những vùng có nhu cầu, chứ không nên áp dụng toàn phần vì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, mất quyền lựa chọn cho người tiêu dùng.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị của Vissan, khẳng định nhiều nghiên cứu cho thấy dù đưa muối i ốt vào sản xuất nhưng sản phẩm không còn i ốt nữa do ảnh hưởng của gia nhiệt hay công nghệ chế biến... Hay với nước mắm, nếu cho muối i ốt vào, nước mắm sẽ biến đổi màu sắc, mất đi hương vị truyền thống.
 
Cũng theo ông Khoa, lượng natri ăn vào chủ yếu là từ gia vị mặn như bột gia vị, muối, hạt nêm, các thực phẩm chế biến khác... chỉ chiếm 2% lượng natri ăn vào. Nếu bắt buộc các thực phẩm chế biến khác phải bổ sung i ốt chỉ giải quyết 2% vấn đề i ốt lại rất tốn kém, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
 
Trong khi đó, người tiêu dùng hiện nay khá đa dạng, có sự khác biệt chứ không phải ai cũng cần i ốt hay bổ sung thêm sắt, kẽm.
 
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết dù 80% hàng của các doanh nghiệp là xuất khẩu, nhưng cũng chịu nhiều tác động từ quy chuẩn này, buộc phải dùng muối bổ sung i ốt, dẫn đến tốn kém vì doanh nghiệp nào cũng có hai mảng nội địa và xuất khẩu.
 
"Dự thảo mới có yếu tố khá tiến bộ là không áp dụng đối với thực phẩm xuất khẩu. Nhưng nếu các nhà sản xuất muốn chuyển hàng xuất khẩu để tiêu thụ nội địa phải làm một loạt vấn đề về thủ tục hành chính. Ngược lại, nhiều thị trường như Nhật Bản, Úc lại cấm sử dụng muối i ốt trong thực phẩm", ông Hoài Nam nói.
 
Cũng theo ông Nam, việc áp dụng đại trà không có cơ sở khoa học, không theo quản lý rủi ro, gây nhiều khó khăn cho ngành chế biến thực phẩm, tác động không chỉ tới doanh nghiệp trong nước mà cả nhóm ngành hàng xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh của hàng nội địa và hàng Việt Nam xuất khẩu bị ảnh hưởng, do phải tốn kém tăng cường i ốt, sắt, kẽm...
 
Theo đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước chỉ nên bổ sung bắt buộc i ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và gia vị mặn dạng rắn.
 
Đặc biệt, không bắt buộc, mà khuyến khích bổ sung i ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp, khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp...
 

Các tin liên quan