Mỹ rút khỏi TPP: Việt Nam nên ứng xử như thế nào?

BizLIVE - 24/01/2017 2:48:18 CH


Hiện nay xu hướng chống toàn cầu hoá và bảo hộ mậu dịch là phổ biển. Việt Nam lại là nước có nền kinh tế có độ mở tương đối cao. Đây sẽ là thách thức lớn cho nền kinh tế nước ta trong những năm tới.



Ngày 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ba sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này.


Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 38,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21, 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

 Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ năm 2014-2016 (tỷ USD).


Trong cuộc trò chuyện với phóng viên BizLIVE, GS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới nhận định kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng với bối cảnh mới.


“Nếu TPP có một cái kết tốt hơn thì một số ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ được ưu đãi về thuế khi vào Mỹ như dệt may, da giày, đồ gỗ. Đương nhiên khi không có TPP và với chủ trương “người Mỹ sẽ ưu tiên dùng hàng Mỹ, lao động Mỹ” thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng...”, ông Lược nói.


Tác động thứ hai cũng cần được bàn tới theo ông Lược, đó là dòng đầu tư nước ngoài đón đầu với mong muốn hưởng lợi từ TPP sẽ bị hạn chế.


“Xét về ảnh hưởng thì như vậy nhưng chúng ta cũng có những hy vọng khác. Hiện chúng ta đã tham gia và hoàn tất 11 hiệp định thương mại tự do rồi”,  ông Lược nói và cho rằng, chúng ta cũng có thể hy vọng chính quyền mới của Mỹ khi huỷ TPP nhưng có thể sẽ đi đến một hiệp định tự do thương mại song phương với Việt Nam.

 

Hoặc có thể bác TPP nhưng sẽ đàm phán lại hiệp định khác với những điều khoản đàm phán khác chẳng hạn. Nếu như vậy, ông Lược cho rằng Việt Nam vẫn thể tranh thủ được thị trường Mỹ.


Nên ứng xử như thế nào?


Theo chuyên gia Võ Đại Lược, một trong những cách ứng phó quan trọng nhất đó là dùng biện pháp tỷ giá. Tức là có lộ trình đưa đồng nội tệ đang ở mức cao về mức thấp hơn. Khi hàng rào thuế quan bằng 0 thì hầu hết các nước phải dùng hàng rào tỷ giá.


“Ngoài biện pháp tỷ giá cần đẩy mạnh sản xuất trong nước bằng hàng rào bảo hộ kỹ thuật. Hiện nay hàng rào này của chúng ta thấy rất kém”, ông Lược nói.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vào Hoa Kỳ.  

 

Hiện nay xu hướng chống toàn cầu hoá và bảo hộ mậu dịch là phổ biển. Việt Nam lại là nước có nền kinh tế có độ mở tương đối cao. Đây sẽ là thách thức lớn cho nền kinh tế nước ta trong những năm tới, ông Lược nhận định.


Theo vị chuyên gia này, không còn cách nào khách phải tìm ra những hướng đi mới, tìm mọi cách ngăn chặn những bất lợi. “Đã là cạnh tranh quốc tế thì quan trọng nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước khó mà đem ra cạnh trạnh quốc tế lắm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng còn thấp, quy mô nhỏ và siêu nhỏ”, ông Lược nói.


“Việt Nam cần phải tăng nội lực của chính bản thân, khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường khác, không thể phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào được”.


Theo ông Lược, bấy giờ còn hơi sớm khi nhận định về kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt – Mỹ. “Sau 100 ngày nhậm chức chúng ta sẽ có những hình dung tương đối chính xác hơn. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng đối với thị trường Mỹ thì con số vài chục tỷ của chúng ta không có ý nghĩa gì lớn lắm nên khó có khả năng Mỹ áp dụng thứ thuế gì đó với Việt Nam. Nhưng theo tôi, những mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc như thép chẳng hạn thì có thể bị ảnh hưởng. Còn nông sản, thuỷ sản tôi nghĩ không ảnh hưởng nhiều, thậm chí cả dệt may, da giày cũng vậy...”, ông Lược nhận định.

 

N.MẠNH

 


 Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Các tin liên quan