Chủ tịch VCCI: “TPP chắc chắn sẽ được tiếp tục dưới một hình thức nào đó”

BizLIVE - 02/03/2017 2:31:26 CH


Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định Hiệp định EVFTA sẽ càng được trông chờ hơn khi số phận TPP đang bất định.

Phát biểu tại buổi công bố sách trắng 2017 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về thương mại và đầu tư ngày 2/3 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang phải đối mặt với một tương lai bất định khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi hiệp định này.


“Tuy rằng, chúng tôi tin rằng tất cả các nước TPP, kể cả Hoa Kỳ đều không muốn lãng phí 6 năm đàm phán, và đặc biệt là lãng phí những cơ hội lớn mà TPP mang lại cho tất cả các nước”, ông Lộc nhận định.


Người đứng đầu VCCI cho rằng TPP “chắc chắn sẽ được tiếp tục dưới một hình thức nào đó, hoặc đa phương hoặc song phương. Chỉ có điều, thời điểm thực hiện cam kết TPP sẽ bị đẩy lùi so với dự kiến là năm 2018”.  


Việt Nam đặt nhiều kì vọng vào hai hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA) và TPP, không chỉ vì quy mô đặc biệt lớn của thị trường của các nước đối tác, cơ hội tăng trưởng thương mại, mà còn là cơ hội hiện thực hóa các tiêu chuẩn hiện tại về thể chế kinh tế theo xu hướng thế giới.


Bản thân EVFTA vốn là một kì vọng lớn của Việt Nam, với việc mở ra con đường ưu tiên lần đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 28 nước thành viên của EU, đồng thời là đòn bẩy quan trọng cho tiến trình cải cách thể chế trong nước của Việt Nam, ông Lộc nói.


Trong bối cảnh số phận TPP khó đoán định, EVFTA được trông chờ hơn nữa. Tuy vậy, ông Lộc cũng chỉ ra rằng hiệp định này đã có chút chậm trễ trong việc triển khai, trong đó có đẩy lùi việc ký kết từ năm 2016 sang 2017, do đó thời điểm có hiệu lực của hiệp định cũng bị lùi lại.

Về phần mình, ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, cho rằng TPP dường như không thể cứu vãn. Do đó, EVFTA sẽ là một cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư của Việt Nam.


Hiệp định này kết nối thị trường 500 triệu dân của EU với gần 100 triệu dân của Việt Nam. Nếu tính cả thị trường ASEAN, thỏa thuận này sẽ kết nối một thị trường rộng lớn lên đến 1 tỷ người, ông Behrens nói.


Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, nhận xét EVFTA có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại và đầu tư từ châu Âu và Việt Nam.


“EVFTA được kì vọng sẽ biến Việt Nam thành trung tâm cho các hoạt động đầu tư của EU để từ đó các doanh nghiệp châu Âu vươn sang các thị trường khác trong ASEAN”, Đại sứ nhấn mạnh.


Việt Nam chắc chắn vẫn là một quốc gia rất hấp dẫn, với nền kinh tế năng động và người Việt chăm chỉ và cởi mở, ông nói thêm.


Đại sứ thừa nhận rằng châu Âu đã trải qua năm 2016 với nhiều biến cố, trong đó có vấn đề nhập cư, khủng hoảng tài chính và Brexit. Trong khi đó, năm 2017 được dự đoán có nhiều bất định từ các cuộc bầu cử tổng thống hoặc thủ tướng ở các nền kinh tế lớn.


Tuy vậy, ông cho rằng thời điểm tồi tệ nhất của châu Âu đã qua. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng 1,9%-2,0% trong năm nay. Các chính sách do Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có tác động tích cực tới tình hình thất nghiệp và xuất khẩu của khu vực này.


Cập nhật về tình hình EVFTA, Đại sứ Angelet cho biết EU và Việt Nam đang tích cực rà soát pháp lý để kết thúc việc này vào cuối tháng Tư tới và dịch xong văn kiện hiệp định sang các thứ tiếng vào mùa hè này.


Ông Vũ Tiến Lộc cũng nêu ra danh sách công việc mà cả EU và Việt Nam cần tập trung thực hiện, đó là: thúc đẩy việc ký kết chính thức và phê chuẩn EVFTA; tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ, trong đó có việc thực hiện một số cam kết cải cách thể chế được quy định trong hiệp định; và chuẩn bị về thông tin, năng lực cạnh tranh, điều kiện sản xuất kinh doanh để tận dụng những cơ hội từ hiệp định.

 

MINH TUẤN

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Các tin liên quan