Khối ngoại bán ròng 4 tỉ USD, quỹ 'tay to' ở Việt Nam nói về lý do

Báo tuổi trẻ - 19/07/2024 3:05:07 CH


Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đợt rút ròng quy mô lớn của khối ngoại từ đầu năm đến nay. Lý do khối ngoại bán ròng là gì khi nhìn sang FDI vẫn tăng trưởng tốt về vốn giải ngân.
 
 
Ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup
 
Câu chuyện khối ngoại bán ròng một cách quyết liệt được bàn luận sôi nổi tại Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" do Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 19-7.
 
Vì sao khối ngoại bán ròng quyết liệt?
 
Ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup, cho biết sau khi trao đổi với đối tác, đã nắm được một số lý do chính khiến khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, rút khỏi một số thị trường trong bối cảnh Fed vẫn neo lãi suất cao. Họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất, bởi vì tăng nhanh nhưng thường giảm sẽ chậm, ông Thuân nói.
 
Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh xuất hiện rủi ro về tỉ giá Việt Nam. Nhiều cổ phiếu họ đầu tư và đã có lãi tới vài chục phần trăm nên việc hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay cũng là cần thiết.
 
Thứ ba, nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại thị trường chứng khoán Việt Nam với các yếu tố rủi ro được tính đến, như chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường bất động sản...
 
Ông Thuân nhấn mạnh việc nâng hạng đón dòng vốn mới, nhà đầu tư mới quan trọng, nhưng việc giữ chân các nhà đầu tư cũng cần thiết không kém.
 
Từ góc nhìn một quỹ đầu tư lớn và sớm nhất thị trường chứng khoán, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, cho biết 4 năm vừa qua khối ngoại đã bán ròng 4 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, tính riêng nửa đầu năm nay đã khoảng 2 tỉ USD.
 
Ông Dominic Scriven cho rằng ngoài những yếu tố khách quan như việc tăng lãi suất của Mỹ, thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại.
 
Đi vào vấn đề chi tiết hơn, chủ tịch Dragon Capital cho biết việc thị trường Việt Nam chưa được nâng hạng có tác động tới quyết định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
 
Khi giới thiệu với đối tác, kỳ vọng họ đầu tư vào Việt Nam thì phải chuẩn bị bài giới thiệu nhưng rất khó thuyết phục. Chưa kể hai năm gần đây cũng có một số việc xảy ra ảnh hưởng đến nhận thức của họ về rủi ro.
 
Không còn đến 8 triệu, chỉ cần 6 triệu tài khoản nhưng một nửa là tổ chức
 
Đề cập đến tỉ giá, bà Nguyễn Linh Phương - phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - thừa nhận 2024 là năm khó khăn khi Fed duy trì lãi suất cao và kéo dài.
 
Sau nhiều lần trì hoãn, thông tin gần đây cho rằng Fed có thể hạ lãi suất vào tháng 9, nhưng cũng chưa chắc chắn.
 
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, dẫn tới chênh giữa lãi suất đồng Việt Nam và USD duy trì ở mức âm cao, tác động lớn tới tỉ giá.
 
Bà Phương cũng cho biết từ tháng 4 đến nay hệ thống đã bán ròng ngoại tệ khá lớn. Tỉ giá trong giai đoạn này không biến động đáng kể so với các nước khác trong khu vực. So với cuối năm ngoái, tỉ giá chỉ tăng khoảng hơn 4%, mức giảm này là phù hợp.
 
Theo bà Phương, Ngân hàng Nhà nước vẫn nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì thông suốt, đảm bảo tỉ giá và lãi suất diễn biến phù hợp. Kỳ vọng khó khăn của thị trường sớm kết thúc, bà Phương nói.
 
 
Ông Nguyễn Đức Chi - thứ trưởng Bộ Tài chính
 
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Chi - thứ trưởng Bộ Tài chính - cũng băn khoăn khi số lượng nhà đầu tư ngoại chiếm tỉ lệ rất ít trong tổng cơ cấu thị trường.
 
Số lượng các nhà đầu tư mở tài khoản để đầu tư chứng khoán lên tới gần 8 triệu. Tuy nhiên, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức ở mức rất khiêm tốn, khoảng 14%.
 
Để phát triển tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, trong đó có nhà đầu tư tổ chức ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Chi nhấn mạnh có nhiều thứ cần phải làm.
 
Đơn cử như việc thay đổi nhận thức và tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam khi ai cũng thích tự quản lý tài sản và tự giao dịch. Trong khi đó, năng lực, trình độ nhận thức, tâm lý đám đông… là những vấn đề đáng bàn.
 
"Có tổ chức chuyên nghiệp thì không nhất thiết phải đạt 8 triệu tài khoản chứng khoán mà chỉ cần 5-6 triệu nhưng một nửa là nhà đầu tư tổ chức thì sẽ hợp lý", ông Chi nói.
 

Các tin liên quan