20.600 sản phẩm nhà ở giao dịch thành công trong nửa đầu năm

Nhà đầu tư - 24/07/2024 8:47:21 SA


Nửa đầu năm, thị trường bất động sản ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Riêng quý II, thị trường ghi nhận 14.400 giao dịch thành công, cao gấp 2,4 lần so với quý I. Phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục là "điểm sáng" phục hồi.

Kể từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng thấy, hầu hết các phân khúc gần như "tê liệt" (ngoại trừ BĐS công nghiệp). Tuy nhiên, tính đến hết nửa đầu năm nay, thị trường đã từng bước phục hồi với những số liệu tích cực hơn.

Theo đó, dữ liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, nguồn cung trong quý II, toàn thị trường có 27.335 sản phẩm mở bán, với 19.747 sản phẩm mới chào bán, gấp 3 lần so quý I, còn lại là hàng tồn kho của các dự án ở giai đoạn mở bán trước đó. Tính chung 6 tháng, thị trường có 24.047 sản phẩm mới mở bán.

Về cơ cấu nguồn cung, quý II, hơn 50% nguồn cung nhà ở là phân khúc căn hộ chung cư, với hơn 14.646 sản phẩm mở bán. 60% nguồn cung thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang (giá trên 50 triệu đồng/m2). Tỷ trọng nguồn cung căn hộ chung cư hạng sang, cao cấp, trung cấp, bình dân lần lượt tương ứng là 6%, 27%, 14% và 7%.

Quý II, thị trường BĐS ghi nhận hơn 75% lượng giao dịch đến từ phân khúc căn hộ chung cư. Ảnh: PĐ

VARS cho biết, qua các quý, căn hộ chung cư vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Nhưng, các dự án mới mở bán chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, hạng sang. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ chung cư bình dân có cải thiện nhưng không đáng kể, chỉ tăng 1% theo quý, được đóng góp từ các dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh thành cấp 2, 3.

Đáng chú ý, về giao dịch, quý II, thị trường có 14.400 giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ 52% với hơn 75% lượng giao dịch đến từ phân khúc căn hộ chung cư. Giao dịch phân khúc thấp tầng, đất nền tăng 60% so với quý I. Tính chung 6 tháng, thị trường có 20.600 giao dịch , gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Về cơ cấu giao dịch, căn hộ chung cưu phân khúc cao cấp lại ghi nhận kết quả tốt nhất, chiếm 42%, theo sau là phân khúc thấp tầng với 24%, căn hộ trung cấp 18%, hạng sang 10% và căn hộ bình dân chỉ 6%.

VARS đánh giá, thị trường BĐS miền Bắc ghi nhận dấu hiệu tích cực nhất, tiếp theo là miền Trung. Khu vực miền Nam, nguồn cung vẫn gặp nhiều khó khăn. Cùng với tiến trình phục hồi của thị trường, niềm tin thị trường cũng ghi nhận phục hồi, lượng khách hàng quan tâm, mua BĐS có sự tăng trưởng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong bối cảnh hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất đang duy trì ổn định ở mức thấp, các chủ đầu tư đang mạnh tay triển khai các chương trình ưu đãi...

Giá chung cư vẫn tiếp đà tăng

Theo VARS, chỉ số giá căn hộ chung cư tiếp tục duy trì xu hướng tăng tại cả Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Cụ thể, từ giữa cuối năm 2023, mức tăng trưởng về giá bán của thị trường căn hộ Hà Nội đã bắt đầu tăng và vượt qua mức tăng giá của thị trường TP.HCM. Tính đến quý II, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2. So với kỳ gốc (quý II/2019), giá bán căn hộ sơ cấp Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng (27%) của thị trường TP.HCM.

Đối với Đà Nẵng, thị trường căn hộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng về giá nhưng vẫn thấp hơn so với thị trường Hà Nội và TP.HCM Nam. Đặc biệt, trong quý II, chỉ số giá căn hộ chung cư Đà Nẵng lại cho thấy mức tăng giá bán bình quân cao hơn TP.HCM.

VARS cho rằng, tiến trình phục hồi của thị trường BĐS vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc tại những địa phương khác nhau. Theo đó, phân khúc căn hộ vẫn là chủ đạo, "chiếm sóng" thanh khoản thị trường. Phân khúc thấp tầng, đất nền bắt đầu "nhen nhóm" các tín hiệu phục hồi khi một số dự án, chủ yếu ở miền Trung trở ra, ghi nhận kết quả mở bán, giao dịch chuyển nhượng khá tốt.

Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn cung căn hộ phân khúc trung cấp ngày càng sụt giảm, chỉ bằng 26% tổng nguồn cung căn hộ. 50% nguồn cung căn hộ đến từ phân khúc cao cấp mở bán trong quý II. ​Nguồn cung căn hộ trung cấp chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành cấp 2,3, các thành phố vệ tinh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Lào Cai, An Giang, Bình Định,… bởi chi phí phát triển dự án tại Hà Nội, TP.HCM ngày đắt đỏ trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm.​ Đáng chú ý, thị trường tiếp tục "vắng bóng" căn hộ thương mại giá bình dân.

VARS nhận định, thị trường BĐS vẫn đang duy trì trạng thái chờ đợi. Khi các Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh BĐS mới có hiệu lực thực thi, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu "rục rịch" chuyển động với các quy định mới… Ở chiều ngược lại, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết, "trải đường sẵn" để các luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực.​

Đồng thời, để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới, cần nâng cao công tác phổ biến kiến thức pháp luật; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện...

Link gốc

Các tin liên quan