Căng và kéo lãi suất 2017

ĐTTC - 05/01/2017 1:56:37 CH


Nhu cầu vốn ngắn hạn lẫn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn nhưng hầu hết chỉ dựa vào các NHTM. Để cho vay, NH phải cạnh tranh huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư, dẫn đến tâm lý kỳ vọng lãi suất cao luôn tồn tại.

Muốn có tiền phải tăng lãi suất

 

Mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn là rất tốt, nhưng muốn thành công phải dựa vào sự phát triển của thị trường chứng khoán. Thị trường vốn bao gồm NHTM và thị trường chứng khoán, trong đó thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu mới có thể giảm lãi suất, nếu chỉ dựa vào nguồn tiền gửi từ dân cư sẽ khó thực hiện mục tiêu này.

Tuần cuối cùng của năm 2016, một số NHTMCP đã thay đổi biểu lãi suất huy động, điều chỉnh tăng một số kỳ hạn, như Sacombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9%/năm lên 5,1%/năm; VPBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,9% lên 5,2%. Một số NHTMCP khác cũng điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm ở một số kỳ hạn.

 

Những năm trước, các NH thường khuyến mại quay số trúng thưởng cuối kỳ đối với khách hàng gửi tiết kiệm, nhưng hiện nay lại khá hiếm hoi, thay vào đó phương thức cạnh tranh truyền thống là tăng lãi suất để cạnh tranh thu hút nguồn tiền gửi phổ biến hơn. Gần đây, nhiều NH khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến để có lãi suất cao hơn gửi tại quầy từ 0,1-0,2%/năm.

Một số NH có chủ trương giữ lãi suất thấp lại cạnh tranh bằng cách tặng tiền cho khách hàng. Tại VietinBank, gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng được tặng 20.000 đồng, từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được tặng 50.000 đồng và gửi từ 500 triệu đồng trở lên được tặng 100.000 đồng. Đáng chú ý, một giao dịch viên của BIDV cho biết NH đang có chương trình khuyến mại dành cho khách hàng mới gửi tiết kiệm từ 9 tháng trở lên, cứ mỗi 100 triệu đồng tiền gửi sẽ được tặng ngay 100.000 đồng, theo đó người gửi tiền sẽ nhận ngay 0,1% số tiền tiết kiệm vào đầu kỳ hạn.

Hiện nay người dân thực tế hơn trong chọn NH để gửi tiết kiệm. Uy tín và niềm tin đối với nhà băng chỉ góp một phần nhỏ trong quyết định gửi tiền, trong khi lãi suất mới là tiêu chí quan trọng nhất. Như trường hợp DongABank, yếu tố quan trọng giúp nhà băng này vẫn có thể cạnh tranh thu hút nguồn tiền gửi chính là lãi suất, mặc dù NH này vừa xảy ra sự cố.

Trên biểu lãi suất của DongABank, lãi suất huy động cuối kỳ đối với kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 2, 3, 4, 5 tháng là 5,1%/năm, tuy nhiên, khách hàng còn được cộng thêm biên độ theo số tiền gửi, từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được cộng thêm 0,2%/năm, từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng được cộng thêm 0,3%/năm và từ 1 tỷ đồng trở lên được cộng thêm đến 0,4%/năm. Theo đó, nếu gửi từ 1 tỷ đồng, khách hàng có thể hưởng lãi suất ở mức kịch trần 5,5%/năm, đây là mức lãi suất ngắn hạn hấp dẫn nhất thị trường vào thời điểm này.

Áp lực cho NH nhỏ

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 29-12, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2016 mặc dù lãi suất đã gặp áp lực ngay từ đầu năm khi mục tiêu GDP đặt ra mức khá cao, bởi nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn lớn, lạm phát có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, nhờ điều tiết cung tiền hợp lý nên không những đã giữ ổn định mà mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn giảm, bình quân lãi suất cho vay giảm đã giảm 0,5-1% so với đầu năm 2016, đã có ý nghĩa tích cực trong việc duy trì tăng trưởng tín dụng.

Đối với điều hành lãi suất năm 2017, Thống đốc cho rằng do áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên điều hành lãi suất phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định lãi suất là bài toán hóc búa nhất đối với NHNN trong năm 2017, trong bối cảnh phải kìm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nếu huy động vốn nhưng không có phương án tốt sẽ gây lạm phát.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay lãi suất đang có sự phân hóa. Ở kỳ hạn ngắn, nhóm NHTM có vốn nhà nước đang có lãi suất thấp nhất thị trường, với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,3-4,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng 5,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng trở lên từ 6,5-6,8%/năm.

Nhóm NHTMCP lớn có sức khỏe tốt lãi suất ngắn hạn khoảng 4,7-5,2%/năm, và nhóm NHTMCP nhỏ hầu hết đang áp dụng lãi suất ngắn hạn kịch trần và lãi suất kỳ hạn dài cũng ở mức cao trên 7%/năm, thậm chí có NH áp dụng mức từ 7,6-7,9%/năm. Mặc dù lãi suất được áp dụng tùy theo nhu cầu vốn và điều kiện cạnh tranh của từng NH, nhưng trong điều kiện sức khỏe các NH chưa đồng đều nên các NH nhỏ luôn có xu hướng tăng lãi suất để cạnh tranh thu hút vốn.

Năm 2017, việc USD tăng giá, tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Lạm phát cũng có khả năng quay trở lại khi giá hàng hóa thế giới phục hồi. Trong khi đó, các NH phải áp dụng quy định của Thông tư 06 từ ngày 1-1-2017, đồng thời bước vào năm cuối cùng của việc trích lập dự phòng rủi ro bắt đầu từ năm 2013 và NH yếu kém tiếp tục tái cơ cấu.

Những điều này cộng với tâm lý kỳ vọng lãi suất tiền gửi cao hơn của người gửi tiền, dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ khó giảm và gây thách thức đối với việc giữ ổn định lãi suất cho vay.

 

Đỗ Linh

 


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc . 

Các tin liên quan