CP ngân hàng: Ngại ngùng góp mặt trên sàn

ĐTTC - 23/02/2017 1:45:02 CH


Theo chỉ đạo của Chính phủ qua Thông tư 180/2015/TT-BTC, đến hết năm 2016 tất cả ngân hàng thương mại (NHTM) phải thực hiện niêm yết lên sàn chứng khoán không phân biệt sàn chính thức hay UPCoM. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay số lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Thực tế nhiều NH vẫn chưa muốn hoặc không thể lên sàn. Tại sao việc niêm yết được cho sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư và NH nhưng các NH vẫn chần chừ lên sàn?

Nhận diện cổ phiếu NH trên sàn

 

Vẫn biết khi lên sàn khoản đầu tư của các cổ đông sẽ minh bạch hơn, tính thanh khoản cao hơn. Nhưng thực tế cổ đông có nhiều thành phần, nhiều cổ đông sẵn sàng ủng hộ và thấy hào hứng, song cũng không ít cổ đông còn băn khoăn đối với vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB)

Số lượng 9 NHTM niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) cho đến cuối năm 2016 gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, SHB, NVB, MB, Eximbank, mãi đến đầu năm 2017 mới có thêm VIB niêm yết trên UPCoM. Với các NH niêm yết trên thị trường chính thức đang có sức ảnh hưởng đáng kể đến sự biến động của các chỉ số.

 

Tính chung trong năm 2016, nhóm cổ phiếu (CP) NH đang niêm yết có diễn biến tích cực, với mức tăng trung bình 13% (so với mức 1,8% của VN Index). Nhiều CP có mức tăng ấn tượng như VietinBank với mã chứng khoán CTG (14,2%), BIDV với mã BID (10,9%), Vietcombank-VCB (4,6%), ACB (30,7%)...

Các thông tin về kết quả kinh doanh có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư dành cho khối này và cũng tạo nên sự phân hóa về CP. Ngành NH năm 2016 có lợi nhuận trên 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với năm 2015 và chiếm 23% lợi nhuận của các ngành, trở thành nhóm dẫn đầu. Một số NH có lợi nhuận tốt là Vietcombank, VietinBank, ACB với CP được đánh giá khả quan.

 Giá CP của Vietcombank hiện đang giao dịch quanh mức 40.000 đồng/CP, nhưng theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) giá trị hợp lý của VCB là 45.000 đồng/CP và cho rằng VCB là lựa chọn hàng đầu của HSC trong số các CP ngành NH. Nhận định này của HSC dựa trên việc Vietcombank phát triển mạnh mảng kinh doanh chủ chốt nhờ lợi thế chi phí huy động thấp, chất lượng tài sản tốt và cấu trúc thu nhập đa dạng.

Với khả năng chi phí dự phòng sẽ giảm trong thời gian tới là điểm khác biệt so với các NH đã niêm yết. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank được dự báo sẽ tăng tốc trong những năm tới. VCB cũng dễ dàng chuyển đổi theo yêu cầu của Basel 2 và cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ những điều chỉnh của Thông tư 36. Về nợ xấu Vietcombank đã mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, nên từ năm sau NH không còn phải trích lập dự phòng các khoản nợ này.

ACB là NH tiếp theo nhận được khuyến nghị khả quan nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh và có tình hình tài chính lành mạnh. Giá CP ACB được kỳ vọng lên 26.700 đồng/CP so với mức hiện tại 23.500 đồng/CP. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất chưa kiểm toán năm 2016 tăng 26,85%, đạt 1.666 tỷ đồng và được dự báo tăng trưởng hơn 30% trong năm nay.

Nhiều ý kiến cũng nhận định ACB xứng đáng được định giá cao hơn 20% so với trung bình ngành hiện nay. Bên cạnh các đơn vị đang niêm yết như VietinBank cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, trong khi  BIDV, MB có mức tăng trưởng chậm hơn nhưng đang dần thu hẹp các khoản nợ xấu. Đây đều là những NH được đánh giá có khả năng tự xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tốt.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), nhận định một số CP NH đang có diễn biến khá tích cực như BID, STB, ACB, VCB... Ngoài lợi nhuận khả quan, chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là tín hiệu tốt khiến giá những CP này tăng mạnh trở lại sau hơn 1 năm suy giảm. Tuy nhiên, ngành NH vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đó là áp lực tăng trưởng tín dụng theo tiêu chuẩn mới, nợ xấu, lãi dự thu…

Theo CTCK Vietcombank (VCBS), mức trần sở hữu nước ngoài hiện tại đối với toàn ngành NH là 30%. Thống kê room sở hữu còn lại tại các NH niêm yết bao gồm BIDV (28,7%), SHB (18,8%), Sacombank (15,7%), VIB (9,8%), Vietcombank (9,1% - bao gồm cả phần dự định sẽ bán cho đối tác nước ngoài GIC), Eximbank (2%), VietinBank (0,1%), ACB (0%), MB (0%). Theo đó, nếu được nới trần VietinBank, ACB, MB sẽ được hưởng lợi hơn cả. BIDV được hưởng lợi ít nhất do room sở hữu còn nhiều.

 Làn sóng niêm yết năm 2017?

 

Nhiều NH sợ nếu đưa CP lên sàn mà giá giao dịch dưới mệnh giá sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu. Tuy nhiên, việc đưa CP lên sàn giao dịch tập trung sẽ có lợi hơn cho cổ đông và hình ảnh, thương hiệu của NH. Bởi khi đó các thông tin sẽ phải được báo cáo theo một chuẩn mực bắt buộc, nhất là báo cáo tài chính.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên  gia NH

Theo Thông tư 180/2015/TT-BTC ngày 13-11-2015, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31-12-2016. Thực ra chủ trương hối thúc các NH niêm yết trên sàn chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lần đầu tiên vào cuối năm 2013.

 

Đến tháng 7-2014, NHNN và UBCK tiếp tục nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, yêu cầu tất cả NHTM phải niêm yết. Đầu năm 2015, Thống đốc NHNN tiếp tục có văn bản “nhắc nhở” các NHTM hoàn thiện kế hoạch niêm yết CP trên TTCK. Mặc dù vậy, các kế hoạch lên sàn của NH dường như vẫn được để trong “ngăn kéo”, bất chấp sự sốt ruột của các cổ đông cũng như cơ quan quản lý. Hàng loạt NHTM vẫn viện dẫn ra nhiều lý do để trì hoãn, lúc do thị trường chưa thuận lợi cho việc niêm yết, khi cần thời gian chuẩn bị nội lực tốt, tăng năng lực tài chính…

 Hiện nay nhiều NH đã có sự chuẩn bị cho việc niêm yết như VIB đã giao dịch trên UPCoM. TPBank, KienLongBank được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) chấp thuận cấp mã chứng khoán và lưu ký chứng khoán. OCB thông qua đăng ký tại VSD và có ý định đăng ký niêm yết trên HOSE. VPBank đang xin ý kiến cổ đông về đăng ký lưu ký tại VSD và giao dịch UPCoM.

Động thái này cho thấy sàn UPCoM đang ngày càng trở thành thị trường quan trọng tại Việt Nam với tổng giá trị vốn hóa đạt 12,6 tỷ USD vào cuối năm 2016, thanh khoản dần cải thiện ở một vài CP. Bởi UPCoM là sàn trung gian của các công ty vốn hóa lớn niêm yết trước khi chuyển sàn HOSE và HNX.

VPBank được chú ý nhờ ưu thế về lợi nhuận và quy mô. Giá trên OTC của VPBank gần đây quanh 9.000 đồng/CP, cũng được coi khá rẻ. Giới phân tích cho rằng do thanh khoản của CP VPBank trên OTC thấp. Và dù có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong 3 năm qua nhưng mô hình hoạt động của NH có nhiều rủi ro hơn so với các NH khác do tốc độ tăng trưởng nhanh. Song VPBank vẫn được đánh giá có nhiều tham vọng và sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khi niêm yết.

Trong khi đó VIB, OCB được ưa chuộng nhờ mô hình tăng trưởng dựa trên hoạt động hiện có. Theo một chuyên gia tài chính, mặc dù đánh giá cao những NH sẽ niêm yết sắp tới, nhưng để có cái nhìn cụ thể, nhà đầu tư cần có những dữ liệu để phân tích. Với NH thước đo không chỉ là lợi nhuận mà còn nhiều chỉ tiêu khác như CAR, NIM, LDR, tài sản...

Không thể chần chừ

Tính đến nay, cả nước có 31 NHTMCP nhưng mới có 10 NH niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhiều năm qua các NH vẫn chần chừ việc niêm yết với đủ lý do dù cổ đông nhiều lần nêu ý kiến và tạo sức ép. Hạn định của Thông tư 180 yêu cầu các NH phải thực hiện việc niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2016, nhưng đến nay nhiều NH vẫn “án binh bất động”. Lý do được lãnh đạo các NH giải thích là TTCK còn èo uột, giá CP NH bị đánh giá thấp nên việc lên sàn sẽ gặp nhiều rủi ro.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, CTCK IVS, việc nhiều NH không chịu niêm yết đơn giản do lên sàn phải minh bạch thông tin. Hiện tại số lượng CP NH đang niêm yết trên 2 sàn quá ít so với số lượng thực tế. Thời gian gần đây dưới sức ép từ cơ quan quản lý, nhiều NH đã tự nguyện đăng ký niêm yết. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi như vậy nhà đầu tư sẽ nắm rõ hơn về tình hình tài chính của hệ thống NH hiện tại.

Hơn nữa, việc niêm yết của các NH chưa bao giờ dễ dàng như hiện tại, đặc biệt trên UPCoM khi điều kiện đi kèm rất thấp. Dù sẽ có nhiều NH tiếp tục không niêm yết trong năm nay, song với danh sách NH đăng ký niêm yết hiện có, nếu thực hiện sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống. Điều đó không chỉ giúp thị trường tài chính dần trở nên minh bạch hơn mà còn tạo ra sức ép đối với các NH còn chần chừ lên sàn.

Theo nhiều chuyên gia, NH là một ngành kinh doanh có điều kiện và có tác động lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. Đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu hoạt động hệ thống NH hiện nay, điều kiện niêm yết CP nên được xem là một giải pháp bắt buộc để góp phần minh bạch hóa và đảm bảo an toàn hệ thống. Vì khi niêm yết, ngoài sự giám sát của NHNN, các NH sẽ còn chịu thêm sự giám sát của toàn xã hội và điều này rất cần thiết để bản thân các NH hướng đến hoạt động ổn định, đúng chuẩn mực.

Chủ trương thúc đẩy các NH lên sàn nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động đã được Chính phủ đưa ra trong nhiều năm trở lại đây. Các cơ quan chức năng cũng nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương và lộ trình tất cả các NHTM phải lên niêm yết.

 

Xuân Anh

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan