Chứng khoán KIS với khoản vốn lớn từ ông chủ Hàn Quốc và cuộc chia tay Top 10 thị phần

BizLIVE - 14/02/2017 12:48:19 CH


Kết thúc quý IV/2016, trong khi 2 sở công bố Top 10 thị phần môi giới, có lẽ không nhiều nhà đầu tư để ý tới sự thiếu vắng của một công ty chứng khoán có vốn rót từ nhà đầu tư Hàn Quốc.

2 năm phát triển nóng


Cuối năm 2013, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam đã chính thức về tay các ông chủ Hàn Quốc khi công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc - Korea Investment Securites Co.,Ltd đã được chấp thuận nhận chuyển nhượng 11.470.288 cổ phiếu từ tập đoàn Dệt may Việt Nam và 79 nhà đầu tư, nâng tỷ lệ nắm giữ tại chứng khoán KIS từ 48,795% lên 92,3% vốn của công ty này.


Đây là sự chuyển mình quan trọng với KIS bởi sau đó, các ông chủ Hàn Quốc đã bơm tiền vào công ty chứng khoán này giúp tăng vốn từ 263,6 tỷ đồng lên hơn 1.112 tỷ đồng nhằm chuẩn bị cho một loạt những dịch vụ như cho vay, phái sinh...


Từ đó cho đến nay, KIS đã liên tục mở rộng các phòng giao dịch, cùng với tăng cường tuyển dụng môi giới và tổ chức hội thảo.


Lần lượt, các phòng giao dịch Nguyễn Tri Phương tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Triệu tại Hà Nội đã được mở ra trong năm 2015. Gần nhất các phòng giao dịch mới được mở trong năm 2016 là Phạm Ngọc Thạch, phòng giao dịch Láng Hạ.


Và vào quý III/2015, sau những nỗ lực liên tục, KIS đã vào lọt top 10 thị phần môi giới trên HoSE, với thị phần 3,59%. Liên tiếp các quý sau đó, quý I,II, III/2016 KIS đều lọt top 10 thị phần 2 sàn chứng khoán.

 

Doanh thu hoạt động môi giới theo từng quý. 


Ngoài ra, công ty cũng liên tục duy trì dư nợ cho vay margin ở mức cao thường xuyên từ 1.000 tỷ đồng đến 1.700 tỷ đồng.

  Lãi suất margin chỉ 9,9%/năm, thuộc lại thấp nhất trên sàn so với nhiều tên tuổi như FPTS, SSI, HCM.


Tuy nhiên, quý IV/2016, KIS đã bị ra khỏi Top 10 thị phần cả 2 sàn. Doanh thu môi giới tụt giảm về còn 15,4 tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay chỉ còn hơn 800 tỷ đồng.


Cùng với đó là việc phải trích lập dự phòng khoản thu khó lên tới 53 tỷ đồng.


Phong độ chỉ là nhất thời...


Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có gần 17 năm hoạt động, miếng bánh thị phần đã được chia phần với các tên tuổi như SSI, HCM, SHS, MBS, BSC…


Thực tế, đôi lúc thị phần có xáo trộn nhưng về lâu dài, các công ty chứng khoán đều duy trì khá ổn định và việc lôi kéo khách hàng của nhau là vô cùng khó khăn.


Với trường hợp KIS, sau khi đổi chủ, công ty đã được bơm một lượng tiền lớn cùng tham vọng không hề nhỏ.


Tuy nhiên để giành lại được thị phần của các tên tuổi lâu năm có lẽ chỉ tiềm lực tài chính và tham vọng thôi là chưa đủ bởi nhà đầu tư trên sàn chưa thể thay đổi được thói quen trong khi các các công ty chứng khoán lớn đã có lịch sử xây dựng uy tín cùng đội ngũ nhân viên lâu năm.


Vì vậy, theo một lãnh đạo của công ty chứng khoán, rất khó để các cổ đông lớn hay lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu trên cả 2 sàn chuyển tài khoản sang những công ty mới nổi lên nhưng lại chưa có thời gian chứng minh được chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, bài học của những công ty chứng khoán đi trước là chọn cổ phiếu penny hay cổ phiếu đầu cơ cao có thể thúc đẩy nhanh thị phần, nhưng cái giá phải trả là quá lớn.


Đây có lẽ là bài học đáng nhớ đối với cả những công ty chứng khoán trong cuộc chiến thị phần chứng khoán đầy khốc liệt tại Việt Nam.

 

MAI HƯƠNG

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan