[Cổ phiếu nổi bật tuần] HKB - Cổ phiếu tăng giá 4 lần dù tài chính xuất hiện nhiều nghịch lý

BizLIVE - 10/04/2017 8:28:57 SA


Lợi nhuận thời điểm trước đây chỉ “lẹt đẹt” ở mức vài tỷ đồng. Nhưng đột nhiên quý IV/2016 công ty công bố lãi hơn 48 tỷ đồng, gấp 5 lần con số quý III và gấp hơn 9 lần lợi nhuận cả năm 2015. Nhờ điều này, giá cổ phiếu “vút bay” tăng hơn 4 lần từ mức giá 1.600 - 2.000 đồng.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB – HNX) được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu chỉ ở mức 1,8 tỷ đồng. Sau 5 lần tăng vốn, tháng 2/2015 công ty niêm yết trên HNX với vốn điều lệ lên tới 200 tỷ đồng.

Không dừng ở đây, một năm sau HKB tiếp tục tăng vốn lên gần 516 tỷ đồng thông qua phát hành tỷ lệ 2:3.

Như cổ phiếu “bình thường” sau khi lên sàn HKB không có biến động nhiều trong toàn bộ năm 2015. Nhưng trước thời điểm phát hành tăng vốn HKB bắt đầu tăng tốc từ mức giá 11 - 12 vọt lên quanh giá 22. Có thời điểm cao nhất mỗi cổ phiếu HKB được giao dịch ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng chưa đầy 4 tháng sau thời điểm này, HKB chỉ còn lại giá của “nửa cốc trà đá” 1.600 - 2.000 đồng/cổ phiếu. Với đà giảm “kinh hồn bạt vía” giá cổ phiếu công ty nông nghiệp này lấy lại bình tĩnh và đi ngang quanh vùng giá này khoảng 2 tháng. Rồi lại tăng vọt. HKB lại như chú ngựa ô tăng phi mã lên giá 7.800 đồng trong phiên cuối tuần qua.

Nếu mua từ vùng giá cao, nhà đầu tư "yếu bóng vía" đã bị dọa đến có lẽ phải “nhảy tàu” cắt lỗ khi giá giảm gần 15 lần. Nhưng cắt lỗ xong cũng chính là lúc giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại. Đây là cảm xúc mà chỉ có ở những siêu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kết thúc tuần giao dịch đầy thành công, HKB tăng hơn 13%, còn trong một tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng gần 75%, một con số mơ ước với mọi cổ phiếu.

Nghịch lý tài chính

Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu đến từ kinh doanh sắn lát chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HKB, sau đó đến ngô, gạo và tiêu.

Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông khá phân tán, HKB có 2 cổ đông nắm giữ trên 5% vốn là ông Dương Quang Lư sinh năm 1973. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT và nắm giữ 9,5 triệu cổ phiếu HKB, tương ứng tỷ lệ 18,5%.

 

Cơ cấu cổ đông của HKB 


Cổ đông lớn thứ 2 là ông Nguyễn Đường Tăng sinh năm 1974, nắm giữ gần 2,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 5% vốn, hiện thông tin cho thấy ông không nắm giữ chức vụ nào trong HKB.

Theo báo cáo thường niên năm 2015, kết thúc này 31/12, HKB có 1 cổ đông là tổ chức còn lại 130 cổ đông là cá nhân, nắm giữ gần 98% số lượng cổ phiếu.

Năm 2016, doanh thu tăng trưởng đột biến lên 765 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 133 tỷ đồng. Như vậy, biên lợi nhuận gộp là 17%. Trong khi đó, doanh thu năm 2015 chỉ ở mức 434,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 26 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 6%.

 


Mặc dù BCTC năm 2016 của HKB đã được kiểm toán nhưng sự biến động tài sản của doanh nghiệp lại xuất hiện nhiều vấn đề. Tổng tài sản của HKB từ 397 tỷ đồng năm 2015 lên 832 tỷ đồng năm 2016. Trong đó, tài sản ngắn hạn không có nhiều thay đổi, mà khoản đột biến khiến tổng tài sản tăng mạnh là phần lợi thế thương mại lên tới 448 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản.

Khoản này được xuất hiện trong báo cáo tài chính sau khi công ty phát hành thành công thu được hơn 300 tỷ đồng để đầu tư vào các công ty con khá “vô danh”.
 



Không chỉ như vậy, dựa trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khoản đầu tư của HKB cũng làm cho người đọc thắc mắc. Cụ thể, số tiền chi góp vốn vào đơn vị khác của HKB lên tới con số 851 tỷ đồng, vượt qua cả tổng tài sản doanh nghiệp.

Đây là những điều khá vô lý thậm chí được coi là nghịch lý tài chính. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư lướt sóng sẽ chỉ cần quan tâm giá cổ phiếu có tăng được nữa hay không. Nhưng về dài hạn, sẽ khó có nhà đầu tư hứng thú tới cổ phiếu này nếu như một loạt câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.


Tại sao một doanh nghiệp lại có thể đầu tư vượt cả tổng tài sản của chính mình? Tại sao công ty có thể ghi nhận khoản lợi thế thương mại lớn đến như thế, trong tương lai có đánh giá lại hay không và sẽ ảnh hưởng thế nào tới giá trị doanh nghiệp?

 

MAI HƯƠNG

 


 Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốca

Các tin liên quan