Cổ phiếu ESOP: 'Món quà' dành cho ai?

Thời báo kinh doanh - 25/09/2018 8:31:04 SA


Về mặt lý thuyết, mục đích của việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm tạo động lực cho người lao động, khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, nhân viên công ty và quan trọng hơn là giúp cho những nhân viên được quyền mua cổ phiếu ESOP có thể giảm đáng kể thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi so sánh với thưởng bằng tiền.
 
Ai mua cổ phiếu ESOP?
 
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là theo các thông báo tại các doanh nghiệp về chương trình phát hành ESOP, đối tượng mua cổ phiếu là đội ngũ người lao động có đóng góp "theo tiêu chí lựa chọn của doanh nghiệp".
 
Thông thường, chỉ một số cá nhân quan trọng, như lãnh đạo hoặc quản lý cấp cao, cấp trung và gắn bó lâu năm mới được hưởng quyền lợi ESOP. Giá bán cổ phiếu theo hình thức ESOP rất ưu đãi, thường bằng mệnh giá (10.000đ/CP) hoặc chỉ bằng 1/2-1/3 giá trị sổ sách và thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
 
Vừa qua, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group – mã: DXG) phát hành 7,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cp, để bổ sung vốn lưu động cho công ty. Mức giá phát hành bằng khoảng 1/3 so với thị giá hiện tại của DXG.
 
Theo thông báo của Đất Xanh, danh sách cán bộ công nhân viên được mua cổ phiếu ESOP là 125 người, sau phát hành, vốn điều lệ của Đất Xanh đã được nâng lên hơn 3.500 tỷ đồng.
 
Cũng theo một thông báo mới nhất của Đất Xanh, Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn đã mua 3,21 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 43% lượng cổ phiếu phát hành.
 
Sau khi mua cổ phiếu ESOP, ông Thìn sẽ nâng lượng sở hữu cổ phiếu DXG từ hơn 29 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,54%) lên gần 32,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,27%).
 
Trung tuần tháng 8, CTCK Bản Việt (mã: VCI) cũng phát hành thành công 1 triệu cổ phiếu ESOP với giá bán là 20.000 đồng/ cp, mức giá này cũng chỉ bằng 1/3 thị giá cổ phiếu VCI trên thị trường, lượng lao động được nhận ưu đãi là 105 người.
 
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã: VPB) cũng vừa thông báo nghị quyết về việc phát hành 33,7 cổ phiếu theo chương trình ESOP cho cán bộ nhân viên với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp.
 
Toàn bộ số cổ phiếu VPB phát hành theo chương trình lần này đã được phân phối cho 837 người, các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian ba năm.
 
Trong đợt phát hành, ông Nguyễn Đức Vinh, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng, đã đăng ký mua tổng cộng hơn 16 triệu cổ phiếu, chiếm 47% lượng cổ phiếu ESOP phát hành.
 
Ngoài ông Nguyễn Đức Vinh, nhiều lãnh đạo cấp cao của VPBank, chủ yếu là các Phó Tổng Giám đốc, cũng đăng ký mua cổ phiếu trong đợt phát hành lần này.
 
Ngoài ra, lượng cổ phiếu phát hành cho nhân viên người nước ngoài là hơn 1,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank xuống còn 22,532% vốn điều lệ.
 
Chốt phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu VPB đang giao dịch tại mức giá 25.950 đồng/cp, cao gấp gần 2,6 lần so với mức giá chào bán theo chương trình ESOP.
 
Ai "hưởng lộc"?
 
Đáng chú ý, khi đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP, hầu hết các doanh nghiệp đều không công khai trước danh sách những người sẽ nhận được số cổ phiếu ưu đãi này. Thay vào đó, ĐHĐCĐ ủy quyền toàn bộ cho HĐQT quyết định danh sách, thời điểm và các phương án chi tiết khác.
 
Khi chương trình kết thúc, tất cả những gì công chúng biết được là thông tin về số lượng người được mua (thường là rất ít), ngoài ra, danh sách người được hưởng lợi gần như không đến được với thị trường.
 
Quay trở lại với trường hợp của "sếp" Đất Xanh Group, tạm tính theo giá hiện tại của cổ phiếu DXG tại phiên giao dịch ngày 24/9 là 29.650 đồng/cp, số cổ phiếu ESOP ông Lương Trí Thìn vừa mua vào có giá trị hơn 95 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, số tiền mà ông Thìn chi ra để mua lượng cổ phiếu theo chương trình ESOP chỉ khoảng hơn 32 tỷ đồng. Như vậy, ông Thìn tạm lãi hơn 63 tỷ đồng cho khoản "ưu đãi" này.
 
Tại ĐHCĐ thường niên 2018, Đất Xanh cũng chi khoảng 10,2 tỷ đồng thưởng cho HĐQT và Ban điều hành về kết quả kinh doanh năm 2017 nhờ vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm 2017.
 
Mặc dù cổ phiếu VPB hiện đang ở vùng đáy 6 tháng, sau khi mua thành công, ông Nguyễn Đức Vinh cũng tạm "bỏ túi" số tiền hơn 410 tỷ đồng cho lượng cổ phiếu ESOP đã đăng ký mua. Thời gian phát hành cổ phiếu ESOP của VPBank là tháng 10/2018.
 
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB là một cái tên "sáng giá" bởi quy mô và tiềm lực của ngân hàng, có thời điểm cổ phiếu này đã đạt mức đỉnh hơn 60.000 đồng/cp. Do đó, khả năng cổ phiếu này sẽ "bay xa" trong thời gian tới.
 
Tương tự đối với DXG, với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2017, DXG cũng tăng mạnh và vượt đỉnh lịch sử hồi đầu năm 2018.
 
Với các kế hoạch ấn tượng trong năm 2018, cùng quyết tâm của ban lãnh đạo trong 10 năm tới sẽ có vốn hóa đạt 5 tỷ USD, việc kỳ vọng vào thị giá cổ phiếu DXG là điều hoàn toàn có thể.
 
Chốt phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu VCI đóng cửa tại mức giá 64.000 đồng/cp. Như vậy, với mỗi cổ phiếu ESOP, người mua đã có được phần chênh là 34.000 đồng/cp và chắc chắn đối tượng được mua chủ yếu sẽ là những lãnh đạo chủ chốt của công ty.
 
Thực tế, cổ phiếu ESOP luôn đi kèm các điều kiện ràng buộc nhưng đem lại nhiều lợi ích cho ban lãnh đạo của doanh nghiệp – những người trực tiếp "chèo lái", hay hiểu theo cách khác, những nhân tài của doanh nghiệp
 
Đem lại lợi ích phục vụ được mục tiêu nhân văn, nhưng nhiều doanh nghiệp sử dụng phương thức này thường xuyên lại gây ra sự nghi ngại cho các cổ đông.
 
Tại một số doanh nghiệp, các chương trình ESOP thậm chí còn bị các cổ đông phủ quyết do lo ngại chương trình này có thể tác động tiêu cực đến động lực làm việc của nhân viên công ty, tạo tâm lý "phải có ESOP mới gắn bó", lâu dài sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển của doanh nghiệp.
 
Linh Đan

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Các tin liên quan