Tín dụng 'đảo chiều' thoát tăng trưởng âm

Thời báo kinh doanh - 01/04/2024 9:06:28 SA


Với những nỗ lực của Chính phủ và các giải pháp hỗ trợ, kích cầu từ hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đã cải thiện trong ngay trong tháng 3. Dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi tăng trở lại trong thời gian tới; các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại, tính đến cuối tháng 3/2024 đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).

Như vậy, tín dụng đã có sự cải thiện dần theo tháng. Trước đó, NHNN cho hay, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tín dụng tháng 2 giảm chậm hơn so với tháng 1 (giảm 0,6%).

Nỗ lực cho vay

Đẩy vốn ra nền kinh tế không chỉ là mục tiêu của Chính phủ mà bản thân các ngân hàng cũng đang rất nỗ lực đi tìm khách hàng thay vì nhìn "tiền nằm trong kho". Theo đó, các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất xanh, nông nghiệp công nghệ cao… tiếp tục là đối tượng khách hàng được ưu tiên.

Hầu hết các ngân hàng đều tung các gói vay ưu đãi từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Ngoài chính sách thu hút khách vay trung dài hạn, nhiều ngân hàng cũng đang dồn lực cho các chương trình cho vay lãi suất rẻ chỉ 3-5%/năm cho các khoản vay kỳ hạn ngắn, thường là 3 tháng. Đây cũng là cách mà các ngân hàng "chạy chỉ tiêu" tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm ngoái và quý I năm nay, trong bối cảnh rất khó để giải ngân tín dụng khi lực vay trên thị trường yếu.

Theo các chuyên gia, từ đầu tháng 3, nhiều địa phương có những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh của một số ngành, như có đơn hàng sản xuất, công nhân trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, nhiều thông tin tuyển dụng, xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục thực hiện tốt.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại tập trung sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực về đơn hàng.

NHNN cũng đánh giá kinh tế có tín hiệu phục hồi khá tích cực, thể hiện ở xu hướng tăng mạnh về xuất khẩu, vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ. Do đó, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3.

Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).

Trên địa bàn Hà Nội, ước đến cuối tháng 3/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.337 nghìn tỷ đồng, tăng 0,03% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Dư nợ tín dụng tăng 0,8% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.509 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 0,69% và tăng 0,27%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.137 nghìn tỷ đồng, tăng 0,55% và tăng 1,17%.

"Những tháng đầu năm, nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế cũng như người dân khá thấp. Tuy nhiên, sau khi các ngân hàng đồng loạt triển khai các gói ưu đãi, ví dụ như tại Hà Nội, các ngân hàng đã triển khai gói ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng, ngay lập tức nhu cầu tín dụng đã tăng trở lại", lãnh đạo một ngân hàng nói.

Lãi suất cho vay giảm trên diện rộng

Lãi suất cho vay giảm trên cơ sở lãi suất huy động đầu vào giảm. Theo NHNN, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Phó tổng giám đốc một nhà băng cho hay, trên thực tế, lãi suất cho vay mới giảm trên diện rộng, với tất cả các lĩnh vực từ vay sản xuất kinh doanh đến vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu các phân khúc như sản xuất kinh doanh yếu, các nhà băng cũng phải cơ cấu danh mục cho vay, có thêm các chương trình khuyến khích vay tiêu dùng, mua sắm, sửa chữa nhà ở.

"Giảm được lãi suất huy động như thế thì lãi suất cho vay ra bình quân hiện đang ở mức khá hấp dẫn. Tôi cho rằng lãi suất cho vay đang về gần mức thấp trong năm 2022. Với lãi suất cho vay mới mà các ngân hàng đưa ra, khách hàng thấy sinh lời của hoạt động sản xuất kinh doanh đã cao hơn lãi suất cho vay và nhiều khách hàng đã tự tin mở rộng sản xuất kinh doanh", vị Phó tổng giám đốc này cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Shinhan Bank, khu vực TP HCM, lĩnh vực bất động sản được quan tâm đặc biệt từ Chính phủ khi liên quan trực tiếp tới nhu cầu an sinh của người dân. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đang tìm các biện pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn cho yếu tố đầu vào của thị trường là các dự án và chủ đầu tư dự án. Việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu ra thị trường là người mua nhà, qua đó cũng góp phần thúc đẩy nguồn cung.

"Đây là thời điểm vàng cho người dân vay vốn phục vụ mục đích mua nhà", ông Hải nói.

Dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi tăng trở lại trong thời gian tới. Và các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, NHNN cho biết, cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các nhà băng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Hiện, thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này.

Về phía người đi vay, NHNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động, có thêm các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các dự án của mình; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để người cho vay (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.

Huyền Anh

Các tin liên quan