Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm sau báo cáo lạm phát

Vneconomy - 29/06/2024 10:40:28 SA


Sau các báo cáo trên, thị trường đặt cược khả năng 64,1% Fed bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/6), dù số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát giảm tốc và tâm lý người tiêu dùng tốt hơn dự báo. Giá dầu thô cũng giảm nhưng hoàn tất một tháng tăng mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,41%, còn 5.460,48 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,71%, còn 17.732,6 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 45,2 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 39.118,86 điểm.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tốc độ lạm phát tháng 5 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo giá cả không bao gồm hai nhóm thực phẩm và năng lượng - tăng 0,1% trong tháng 5 so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Các mức tăng này phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow jones.

PCE toàn phần đi ngang trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng bằng với các dự báo được đưa ra trước đó.

PCE lõi là chỉ số lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng, nên có ảnh hưởng lớn đến các kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ của Fed.

“Từ góc độ thị trường, báo cáo PCE ngày hôm nay là gần như hoàn hảo. Đây thực sự là một báo cáo tích cực”, Giám đốc đầu tư David Donabedian của công ty CIBC Private Wealth US nhận định.

Cùng ngày thứ Sáu, báo cáo từ Đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 6 cao hơn so với dự báo, tăng lên mức 68,2 điểm từ mức 65,5 điểm của lần công bố sơ bộ. Kỳ vọng lạm phát sau 1 năm nữa cũng giảm về 3%, từ mức 3,3% ghi nhận trong tháng 5.

Sau các báo cáo trên, thị trường đặt cược khả năng 64,1% Fed bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME - từ mức xấp xỉ 60% trong phiên giao dịch trước. Tuy nhiên, thị trường vẫn có một phiên giảm điểm nhẹ do các nhiều nhà đầu tư chốt lời vào thời điểm kết thúc quý 2.

Phiên này cũng đánh dấu khép lại nửa đầu năm 2024, với thành quả tăng của cả ba chỉ số. Trong đó, Nasdaq tăng 18,1% trong 6 tháng nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) chưa hạ nhiệt. S&P 500 tăng 14,5%, trong khi Dow Jones tăng 3,8%.

“AI là chủ đề chính của cả năm nay và đã dẫn tới sự tập trung của xu hướng tăng vào một số ít cổ phiếu. Kết quả là mức tăng trưởng thực sự mạnh”, trưởng nghiên cứu Mike Dickson của công ty Horizon Investments nhận định.

Diễn biến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ trong nửa đầu năm 2024 - Nguồn: Trading Economics.

Một phần nguyên nhân khiến Dow Jones đuối so với hai chỉ số còn lại là sự giảm điểm thường xảy ra của chỉ số blue-chip này trong quý 2 hàng năm. Dow Jones đã giảm 1,7% trong quý 2, trong khi S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 3,9% và 8,3% trong cùng khoảng thời gian.

Cả ba chỉ số cùng tăng tốc trong tháng 6 và đã hoàn tất tháng tăng thứ 7 liên tiếp trong 8 tháng trở lại đây. Nasdaq một lần nữa là chỉ số ghi nhận mức tăng mạnh nhất gần 6%. S&P 500 và Dow Jones tăng tương ứng 3,5% và 1,1% trong tháng.

Tuần này, Nasdaq tăng 0,2%; Dow Jones và S&P 500 giảm gần 0,1% mỗi chỉ số.

“Thị trường chứng khoán đã cho thấy sự vững vàng trong nửa đầu năm”, nhà quản lý danh mục John Luke Tyner của công ty Aptus Capital Advisors nhận định với hãng tin CNBC. Nhưng để thị trường tiếp tục lập kỷ lục trong nửa sau của năm nay, ông Tyner cho rằng xu hướng tăng cần được mở rộng sang nhiều nhóm cổ phiếu hơn, thay vì chỉ tập trung vào các cổ phiếu có liên quan đến AI.

Cũng theo ông Tyner, những sự kiện và vấn đề như bầu cử tổng thống Mỹ, rủi ro Fed tiếp tục trì hoãn hạ lãi suất, hay bất kỳ dấu hiệu nào về sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng đều có thể gây áp lực giảm lên thị trường.

“Nếu những rủi ro đó trở thành hiện thực, thị trường có thể biến động mạnh hơn. Ai cũng cảm thấy thỏa mãn với những gì có được từ thị trường trong 10 tháng qua, bởi mọi thứ quá dễ dàng. Nhưng sẽ đến lúc, sự thỏa mãn đó sẽ chấm dứt”, ông Tyner nói.

Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tại London tăng 0,02 USD/thùng, chốt ở mức 86,41 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 0,2 USD/thùng, tương đương giảm 0,24%, còn 81,54 USD/thùng.

Năm nay, giá dầu Brent đã tăng 12,1% và giá dầu WT tăng 13,8%. Trong tháng 6, giá của hai loại dầu đều tăng hơn 6%. Tuần này, giá dầu Brent tăng 0,02%, trong khi giá dầu WTI giảm 0,2%. 

Động lực cho giá dầu tăng trong tháng 6 lúc đầu là kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ sẽ tăng trong những tháng mùa hè. Gần đây, khi có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu xăng dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới không mạnh như dự báo, giá dầu lại được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Israel và phiến quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: MarketWatch.

Theo một báo cáo của công ty RBC Capital Markets, nếu chiến tranh nổ ra, Hezbollah có thể nhắm vào các cơ sở khí đốt ngoài khơi của Israel, và Israel có thể tấn công các cơ sở dầu khí của Iran. Ngoài ra, còn có rủi ro tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz bị Iran tấn công, hoặc Iran từ tỏ thỏa thuận giảm căng thẳng với Saudi Arabia và tấn công các cơ sở dầu khí của nước này.

Ngay cả trong trường hợp Iran và Saudi Arabia duy trì được thỏa thuận giảm căng thẳng, “chúng tôi cũng không loại trừ khả năng gián đoạn nguồn cung năng lượng trong khu vực và rủi ro đối với các tài sản kinh tế quan trọng khác nếu chiến tranh lan rộng”, báo cáo của RBC nhận định.

Bình Minh-Link gốc

Các tin liên quan