Lãi suất cho vay tiếp tục giảm, kỳ vọng tín dụng bứt phá

Thời báo kinh doanh - 25/07/2024 8:42:22 SA


Từ mức âm trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc trở lại kể từ tháng 3 và đạt mức tăng trưởng 6% tính đến cuối tháng 6. Trong đó, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành.
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định vẫn yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí hoạt động và bằng nguồn lực của mình, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, không để doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm quy mô sản xuất hoặc phải đình trệ.
 
Tín dụng phục hồi mạnh
 
Tính đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.
 
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
 
 
Đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023.
 
Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế, như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
 
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Agribank đã tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã có 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
 
Một số chương trình tín dụng ưu đãi được Agribank triển khai rất hiệu quả. Đơn cử như chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân. Hiện nay, ngân hàng cũng đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.
 
Một “ông lớn” khác là VietinBank cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng khá ấn tượng. Theo đó, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 6,7% và tính đến ngày 23/7 đã đạt 7%. Ngân hàng quản trị rất chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và NHNN đưa ra. 
 
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng lấy lại đà tăng trưởng tín dụng rất mạnh mẽ. Như tại ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh của ACB trong 6 tháng đầu năm khả quan. Đến cuối tháng 6/2024, tín dụng của ACB đạt 541 nghìn tỷ, tăng 12,4%, cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng của ngành (6%). 
 
Trong bối cảnh tín dụng trên đà khởi sắc, các ngân hàng thương mại đang tính toán và chuẩn bị dự trữ thanh khoản, tăng nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn, để đảm bảo cung ứng vốn cho mùa tín dụng cuối năm.
 
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương, nhất là chính sách về tiền tệ, tín dụng đã phát huy hiệu quả. Trong đó, lãi suất thấp vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa kích thích các nhóm ngành, nhất là nhóm ngành là động lực tăng trưởng nền kinh tế. Kết quả tăng trưởng của cả nước với GDP tăng 6,42%, đây cũng là những yếu tố môi trường kinh tế thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tín dụng tăng trưởng cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
 
Ngân hàng vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn
 
Ngày 24/7, NHNN tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt trong 6 tháng đầu năm đã kiến nghị được NHNN xem xét cấp thêm chỉ tiêu tín dụng.
 
Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HDBank đề xuất NHNN giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm đồng thời duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn. 
 
“Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp toàn ngành đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2024 và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế”, Chủ tịch HDBank bày tỏ và khuyến nghị, nên khuyến khích mở rộng cơ chế thử nghiệm (Sandbox) để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. 
 
Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, đại diện VietinBank kiến nghị NHNN sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư phát triển xanh bền vững.  Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh hệ số rủi ro và các chi phí an toàn vốn rủi ro theo Thông tư 41 đối với các lĩnh vực tín dụng xanh, trên cơ sở đó tạo ra được cơ chế chi phí tài chính khuyến khích các ngân hàng có lãi suất hợp lý trong việc thúc đẩy cho vay lĩnh vực tín dụng xanh, phát triển bền vững.
 
Tuy hoạt động của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đang có sự khởi sắc, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng nhận thấy ngành ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức. Hiện, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, có doanh nghiệp được cơ cấu nợ miễn giảm lãi song không trả nợ cũ, không đủ điều kiện vay vốn, gây sức ép, đòi hạ chuẩn tín dụng, bỏ qua kiểm soát vốn vay,… đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ ngân hàng vì mang tiếng gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
 
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024, đến nay mới đạt khoảng 6%, những tháng còn lại là một thách thức đối với ngành ngân hàng, bởi mặc dù các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi suất vay rất thấp, song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao,..
 
Các ngân hàng cho rằng, việc xử lý nợ xấu khó khăn ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn ra thị trường. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị các bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về việc bán nợ theo giá thị trường theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2024.
 
Còn theo Chủ tịch HDBank Kim Byoungho, các cấp ngành chức năng nên xem xét đẩy nhanh quá trình phê duyệt các đề án tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng mua lại bắt buộc và đang được kiểm soát đặc biệt để sớm giúp các ngân hàng này phục hồi, hoạt động hiệu quả.
 

Các tin liên quan