6 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 426,496 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ

Thời báo kinh doanh - 30/07/2024 11:58:11 SA


Hầu hết các doanh nghiệp cảng và vận tải biển đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Cùng với đó là triển vọng tăng trưởng tích cực vào cuối năm.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2024 đạt 426,496 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng) tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Khối lượng hàng hóa tính theo Teu cũng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14,39 triệu TEUs.

Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng tàu biển và phương tiện thủy nội địa (không bao gồm hàng quá cảnh không bốc dỡ) cũng đạt kết quả tích cực. Trong đó, khối lượng hàng hóa thông qua bằng tàu biển đạt 296,436 triệu tấn, tăng 17%. Khối lượng hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa đạt 130,059 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất nước gồm TP.HCM tăng 13,4%, Vũng Tàu tăng 30%, Hải Phòng tăng 15,4%, Quảng Ninh tăng 11,7%.

Hầu hết các doanh nghiệp cảng và vận tải biển đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, đây là tháng thứ 5 liên tiếp mức tăng trưởng đạt từ 19% trở lên so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể cho thấy nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục.

Theo chỉ số giá cước vận tải Drewy, giá cước vận tải giao ngay sau đợt tăng mạnh vào cuối 2023 đã hạ nhiệt. Giá cước vận tải thế giới bắt đầu đảo chiều tăng mạnh trở lại từ cuối tháng 4 đến nay.

Hầu hết các doanh nghiệp cảng và vận tải biển đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Công ty CP chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, từ nay đến cuối năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước sẽ duy trì ở mức tích cực, dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng 7-9%.

Theo KBSV, mức tăng trên dựa trên các yếu tố: Kim ngạch XNK dự kiến sẽ vẫn ở mức cao đến cuối năm; Vốn FDI cũng đang trên đà tăng trở lại, cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại, kí kết các văn bản hợp tác song phương; Sự hỗ trợ tích cực của nhà nước trong việc giải ngân đầu tư, mở rộng các cảng lớn trên cả nước. Hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, luồng hàng hải; Việc tắc nghẽn được giải quyết sớm

KB cũng dự đoán giá cước vận tải biển kì vọng sẽ vẫn neo cao trong năm nay dù vẫn ở mức thấp hơn đỉnh điểm trong đại dịch Covid-19, đà tăng kéo dài ít nhất đến quý III/2024 do chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, bắt nguồn từ khủng hoảng tại biển Đỏ. Hải trình kéo dài, ùn tắc tại các cảng và nhu cầu tăng dồn dập khiến nguy cơ về đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt container rỗng tăng cao, tiếp tục đẩy giá cước vận tải container lên cao cho đến khi các tình trạng trên được giải quyết.

KB kì vọng lợi nhuận ngành vận tải đã tạo đáy giai đoạn cuối 2023 và quý I năm nay, triển vọng tăng trưởng sẽ tích cực hơn về cuối năm.

Về dài hạn, thị trường vận tải biển được dự kiến sẽ hạ nhiệt ngay khi khủng hoảng biển Đỏ kết thúc do tác động cộng hưởng từ việc hàng tồn kho tại các thị trường lớn tăng nhanh trong giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng xảy ra và lo ngại về dư cung tàu rõ ràng trở lại khi nhu cầu suy giảm trong khi lượng tàu đã đặt đóng mới liên tục được đưa vào khai thác.

Anh Đức-Link gốc

Các tin liên quan