Gỡ khúc mắc để tăng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh

Thời báo kinh doanh - 31/07/2024 8:44:27 SA


Vẫn còn đó những khúc mắc khi trong chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh, đơn cử như kiểm soát chất lượng phân bón nhập khẩu, nông dân “bẻ kèo”, thiếu vốn, chưa có chính sách riêng để hỗ trợ, bất hợp lý thuế Giá trị gia tăng với đầu vào… Cho nên, nếu muốn tăng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này là cần sớm tháo gỡ cho được các “điểm nghẽn” như vậy.
 
Nói về mối băn khoăn của doanh nghiệp (DN) trong việc đầu tư vào nông nghiệp xanh như hiện nay, ông Đặng Quý Nhân, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp Nam Mê Kông, lưu ý điều quan trọng là phải quản lý thật chặt chẽ đầu vào phân bón, thuốc trừ sâu nguồn gốc nhập khẩu có chứa dư lượng kim loại nặng. 
 
Vừa lo chất lượng phân bón vừa lo nông dân “bẻ kèo”
 
Liên hệ cụ thể trường hợp từ bản thân công ty (có nhà máy tại tỉnh Bến Tre, vừa sản xuất vừa xuất khẩu nông sản như sầu riêng, chuối, dừa), theo ông Nhân, dư lượng kim loại nặng cadimi từ phân bón (đặc biệt là trong phân lân) đã ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Điều này khiến cho Trung Quốc vừa qua đã trả lại hai đợt hàng nhập khẩu sầu riêng do có cadimi vượt ngưỡng, gây thiệt hại rất lớn cho phía DN.
 
 
Để tăng thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp xanh đòi hỏi cần phải sớm tháo gỡ cho được các “điểm nghẽn”, các khúc mắc như hiện tại.
 
Như lưu ý của vị tổng giám đốc này tại diễn đàn bàn về thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 30/7, với chất lượng phân bón nhập khẩu đầu vào như hiện tại công ty và nông dân không thể nào kiểm tra được hàm lượng cadimi trong phân bón và thuốc trừ sâu. Việc này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, của ngành nông nghiệp địa phương để làm sao có chính sách kiểm soát thật chặt.  
 
Bên cạnh đó, cũng theo ông Nhân, vấn đề đau đầu khi làm nông nghiệp xanh của các DN xuất khẩu nông sản là phát triển vùng trồng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng đặc biệt khó khăn lúc thu mua. Bởi lẽ, nếu giá cao nông dân lại “bẻ kèo” bán ra ngoài, bán cho thương lái ở chỗ khác. Trong khi đó, công ty buộc phải mua theo giá đã ký hợp đồng với nông dân. Vấn đề đó làm cho bản thân DN rất sợ “vỡ trận” hợp đồng với các đối tác nước ngoài vì khi giá cao sẽ không đủ sản lượng để thu gom.
 
“Khúc mắc này rất cần đơn vị quản lý, chính quyền địa phương phải nghiên cứu và có giải pháp để cho DN được bao tiêu, được thu mua nông sản bằng với mức giá đã ký kết với nông dân từ đầu mùa cho tới cuối mùa, từ mùa cao điểm cho tới thấp điểm. Nhất là cần tránh những trường hợp DN tranh mua theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh”, vị tổng giám đốc của Công ty Nam Mê Kông bộc bạch.
 
Còn theo ông Trần Văn Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ trên thế giới rất lớn, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, là cơ hội để DN, nông dân, hợp tác xã (HTX) vươn lên, tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực này. Và để được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì mô hình HTX là dễ đáp ứng nhất. Thế nhưng vấn đề chủ yếu đối với các HTX là cần vốn và sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương. 
 
Cho nên, ông Hiệp nhấn mạnh nếu như các DN làm nông nghiệp xanh muốn phát triển được sản phẩm hữu cơ là cần liên kết với nông dân trong các HTX, cũng như giải quyết vấn đề thiếu vốn của họ. Hơn nữa, rất cần sự dẫn dắt của những tổ chức vững mạnh, như các hiệp hội lớn hoặc của ngành nông nghiệp, hội nông dân địa phương để giúp ích hữu hiệu nhất cho khu vực HTX phát triển nông nghiệp hữu cơ.
 
“Khi làm nông nghiệp hữu cơ, các HTX đã có được quỹ đất từ sự tham gia của nông dân. Với sự dẫn dắt, với sự đầu tư, cho vay vốn thì họ có thể làm được. Dĩ nhiên, bên cạnh đó phải có các DN để hỗ trợ cho họ về đầu ra, cam kết, ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu”, vị phó chủ tịch của Vinacas nói.
 
Phải sớm tháo cho được những “điểm nghẽn”
 
Từ chia sẻ của phía DN, đại diện hiệp hội, sẽ thấy vẫn còn đó những khúc mắc, những thách thức, tồn tại các “điểm nghẽn” khi muốn thu hút DN đầu tư vào chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh. Nhất là chưa có quy hoạch về việc sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mà chủ yếu là lồng ghép trong các chương trình khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
 
Chưa kể, quy mô sản xuất nhỏ đang hạn chế lớn cho việc áp dụng các hình thức sản khép kín, tập trung. Mặt khác, do thói quen và tư duy cũ trong sản xuất như sử dụng quá mức phân bón vô cơ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng làm ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển nông nghiệp xanh. 
 
Hoặc như chính sách thuế đối với phân bón và vật tư nông nghiệp để hỗ trợ tốt hơn cho DN tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp xanh cũng cần được rõ ràng hơn. Như lưu ý của ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), vẫn còn bất hợp lý về thuế Giá trị gia tăng (GTGT) với đầu vào của nông nghiệp. Điều này dẫn đến gánh nặng lên ngành sản xuất nguyên liệu, vật tư đầu vào, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, rõ nhất là ngành sản xuất phân bón. 
 
Và hệ lụy xảy ra, theo ông Phụng, đó là sụt giảm dần vốn kinh doanh, không thể đầu tư mới, đầu tư mở rộng do đội vốn, tăng chi phí sản xuất do thuế GTGT đầu vào dẫn đến tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Từ đó tạo ra gánh nặng đối với nông dân khi giá bán bị đẩy lên.
 
Chính vì vậy, ông Phụng cho rằng rất cần thiết sửa đổi sớm thuế GTGT đối với phân bón, vật tư, thiết bị đầu vào cho sản xuất nông nghiệp để khắc phục những bất hợp lý và thiệt hại đã nhận biết. Điều này cũng nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thuận lợi cho liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, chuyển đổi mô hình, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp xanh.
 
Hay như vấn đề về vốn cho đầu tư sản xuất nông nghiệp xanh cũng cần được tháo gỡ các vướng mắc, phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết. Theo giới chuyên gia, các bộ ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp xanh, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các DN cũng như các tổ chức tài chính tham gia vào lĩnh vực này. 
 
Hơn nữa, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp xanh.
 
Xét chung, với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xanh giàu tiềm năng nhưng cũng còn đầy thách thức như hiện nay, để gia tăng thu hút các DN tham gia đầu tư đòi hỏi cần phải sớm tháo gỡ cho được các “điểm nghẽn”, các khúc mắc như hiện tại. Đặc biệt là cần có sự đổi mới từ nhận thức, cách làm, bắt đầu từ Nhà nước đến nông dân, HTX và sự đồng hành của DN.
 

Các tin liên quan