Việt Nam - Ấn Độ: Mở rộng lĩnh vực hợp tác, tạo đột phá trong thương mại, đầu tư

Báo Công thương - 30/07/2024 3:23:58 CH


Việt Nam và Ấn Độ đều là những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với thế mạnh đa dạng nên tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư song phương là rất lớn.

Kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh

Hai nước Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Đến năm 2016, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong hơn 50 năm qua, Ấn Độ là một trong những đối tác tin cậy nhất, thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với con đường phát triển và chính sách của Việt Nam trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế.

Không chỉ trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hợp tác thương mại kinh tế, đầu tư giữa hai nước đã và đang gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Đáng chú ý, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh khi Thủ tướng Ấn Độ nâng cấp “Chính sách hướng Đông” thành chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm thể hiện quyết tâm tăng cường các kết nối về kinh tế với thị trường Đông Nam Á cũng như nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ tại khu vực, trong đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này.

Hợp tác thương mại kinh tế, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã và đang gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Ảnh minh họa

Đúng như tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi vào ngày 3/9/2016 trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc: “Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ” và “quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu”. Việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là “trọng tâm”, “cầu nối” trong chính sách “Hành động hướng Đông” đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới.

Nhận định về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian qua, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, trong tổng thể mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng và đạt được nhiều thành tựu thời gian qua.

Có thể nói thị trường Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á. Chiều ngược lại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. “Thị trường Việt Nam cũng được coi là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ thúc đẩy thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN và các đối tác khác của Việt Nam. Hai nước đang phấn đấu để sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ trong thời gian tới” - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin.

Cũng theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á; là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Giai đoạn 2011-2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,3 lần từ 2,9 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 17,3%. Giai đoạn 2017-2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ tăng 1,8 lần từ 7,7 tỷ USD lên 14,3 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm: Máy tính và hàng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện; máy móc và thiết bị, thép và các kim loại khác, hóa chất, giày dép, hàng may mặc, cao su, sản phẩm gỗ... Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ hàng kỹ thuật, nông sản (bao gồm thịt và thủy sản), hóa chất và dược phẩm, hàng điện tử, khoáng sản, bông và dệt may, nhựa...

Về hợp tác đầu tư, Ấn Độ đứng thứ 26/141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (hiện có 353 dự án đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,1 tỷ USD). Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Ấn Độ đều đã có mặt tại Việt Nam, tham gia đầu tư tại nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Việc trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại và gặp gỡ doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh doanh giữa hai nước. Ảnh Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Hàng năm, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các Hội chợ, triển lãm lớn tại Ấn Độ để tạo những cơ hội kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu

Cũng theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, việc trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp, tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại và gặp gỡ doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh doanh giữa hai nước. Theo đó, tháng 4/2024, các doanh nghiệp Ấn Độ đã tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33, WORLD Expo do Bộ Công Thương Việt Nam đăng cai tổ chức. Trong đó Ấn Độ là quốc gia “Khách mời Danh dự” và đoàn Ấn Độ do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Ấn Độ điều phối.

Nhiều đoàn doanh nghiệp được điều phối bởi Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Hiệp hội các nhà sản xuất điện và điện tử Ấn Độ, Hội đồng xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức, PHD Chambers... đã đến thăm Việt Nam vào năm 2023 và 2024. Phòng Thương mại Ấn Độ (INCHAM) tại Việt Nam cung cấp nền tảng hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ thông qua sự hiện diện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều cơ hội được kỳ vọng...

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng và tích cực trong thời gian qua, tuy vậy, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, quan hệ kinh tế hai nước chưa ngang tầm với quan hệ chính trị rất tốt đẹp, với tiềm năng, thế mạnh và chưa đáp ứng được kỳ vọng của hai bên.

Thứ nhất, cả Việt Nam và Ấn Độ có nền kinh tế tăng trưởng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều là các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và đã có những nỗ lực lớn để vượt qua và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. Năm 2023, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2024, dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt mức gần 6% theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Sự tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố hết sức quan trọng thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ.

Còn nhiều tiềm năng, dư địa để đưa hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ phát triển đột phá trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Thứ hai, việc di chuyển giữa hai nước hết sức thuận lợi với các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn.

Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập được đường bay thẳng giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với nhiều thành phố của Ấn Độ như Delhi, Mumbai... với tần suất gần 50 chuyến bay/tuần. Điều này vô cùng thuận lợi cho việc di chuyển của cá nhân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau. Đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho hai bên thúc đẩy hợp tác du lịch và thương mại, đầu tư gắn với du lịch.

Thứ ba, cơ cấu ngành hàng của hai nước có sự bổ sung lẫn nhau.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có nhu cầu cao đối với hàng hóa của mỗi bên. Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, Việt Nam có thể cung cấp cho Ấn Độ nhiều loại hàng hóa đa dạng, từ nông thủy sản, gia vị phục vụ tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thiết bị điện tử; các sản phẩm hóa chất, phân bón, chất dẻo; đến các sản phẩm tiêu dùng, đồ thủ công mỹ nghệ… Ngược lại, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như dệt may, da giày; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; khoáng sản…

...song vẫn còn nhiều rào cản

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch của mỗi nước với thế giới. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm 2,1% trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới; tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chỉ chiếm 1,97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Thêm vào đó, chính sách bảo hộ thị trường trong nước của Ấn Độ cũng là một rào cản. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã ban hành và áp dụng một loạt các biện pháp chính sách hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực và làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước. Có thể kể đến các biện pháp như áp giá sàn nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, biện pháp phòng vệ thương mại... và gần đây nhất là việc Ấn Độ dừng cấp mới/gia hạn giấy chứng nhận tiêu chuẩn BIS đối với một số mặt của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ.

Chưa kể, hàng hóa xuất khẩu của hai nước có cơ cấu khá tương đồng, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như may mặc, giày dép, nông sản... và chính sách bảo hộ thương mại cứng rắn của Ấn Độ. Điều này đã tạo ra thách thức cạnh tranh lớn giữa hàng hóa xuất khẩu hai nước trên thị trường, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

“Doanh nghiệp Việt Nam còn khá dè dặt khi tiếp cận thị trường Ấn Độ do lo ngại về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh và văn hóa, phong tục. Ấn Độ có hệ thống pháp luật, quy định và thủ tục pháp lý tương đối phức tạp. Đặc biệt là hệ thống thuế, thủ tục hải quan, thủ tục hành chính” - lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin và cho biết thêm, khác biệt về văn hóa phong tục, thói quen tiêu dùng và tập quan kinh doanh cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lúng túng khi kết nối, làm việc với đối tác Ấn Độ.

Mở rộng lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, còn nhiều tiềm năng, dư địa để đưa hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ phát triển đột phá trong thời gian tới, đặc biệt trong các xu thế, lĩnh vực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản chất lượng cao sang Ấn Độ như hoa quả chế biến; trái cây tươi (quả thanh long); chè; cà phê; gia vị; ngũ cốc và các loại hạt, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; cá tra/ba sa… “Đây vừa là các sản phẩm Việt Nam có thể mạnh, vừa là sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Ấn Độ cũng như phục vụ cho các doanh nghiệp Ấn Độ chế biến xuất khẩu” - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phân tích.

Cùng với đó, Ấn Độ cũng có thể tăng cường cung cấp các nguyên phụ liệu dệt may, da giày hoặc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động, điện tử, cơ khí chế tạo của Việt Nam. Trên thực tế, doanh nghiệp hai nước đã bước đầu kết nối, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả về nguồn cung nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong thời gian qua, đặc biệt trong những thời điểm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu dệt may, da giày trong khu vực khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020.

Về công nghiệp, doanh nghiệp hai nước có thể tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như: Điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin; luyện kim; vật liệu xây dựng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến thực phẩm; dược phẩm. Đây đều là những ngành mà Ấn Độ có kinh nghiệm và thế mạnh phát triển, Việt Nam có nhu cầu phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra hồi tháng 1/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh quan điểm Việt Nam luôn đặt ưu tiên cao trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với Ấn Độ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động lâu dài, thành công ở Việt Nam.

Hoàng Giang-Link gốc

Các tin liên quan