"Điểm cộng” của môi trường tín nhiệm 2024

Diễn đàn doanh nghiệp - 23/03/2024 9:26:23 SA


Môi trường tín nhiệm năm 2024 đang cho thấy những gì xấu nhất đã lùi lại phía sau lưng và doanh nghiệp sẽ cải thiện khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ.

Đây là một trong những nhận định được các nhà phân tích tài chính, chuyên gia cao cấp của VIS Rating chia sẻ tại hội thảo với chủ đề: “Triển vọng môi trường tín nhiệm 2024: Sau cơn mưa trời lại sáng” mới đây. 

Môi trường tín nhiệm năm 2024 được đánh giá có triển vọng cải thiện, đồng nghĩa khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các tổ chức phát hành sẽ tích cực hơn. (Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating, “Môi trường tín nhiệm” mà VIS Rating đặt ra, tức đề cập đến biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các tổ chức phát hành. Điều này khác biệt với thuật ngữ tín nhiệm cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng hoặc thực hiện cấp các khoản vay.

Ông Nguyễn Đình Duy - CFA, Giám đốc phân tích cao cấp - cho biết, trên góc nhìn như vậy, trong năm 2024, triển vọng môi trường tín nhiệm theo VIS Rating sẽ cải thiện dần từ mức đáy, đánh giá trên 4 trụ cột Sức khỏe tài chính; Môi trường kinh doanh; Điều kiện huy động vốn; Sự hỗ trợ về chính sách trong năm 2024 đều có sự cải thiện. Tuy nhiên là sự cải thiện không đồng đều.

“Với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp thì chúng tôi cho rằng trong năm 2024, sự cải thiện là tương đối nhẹ; còn đối với nhóm thứ hai là nhóm liên quan đến môi trường kinh doanh thì chúng tôi cho rằng trong năm 2024 môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện tương đối, qua đó sẽ giúp cho doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt lên. Với các cân đối vĩ mô trong năm 2024, chúng tôi cho rằng sẽ ổn định hơn rất nhiều. 

Ví dụ chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã được cải thiện vượt ngưỡng trước đại dịch (yếu tố này sẽ tác động đến doanh số bán lẻ, sức mua tiêu dùng và các dịch vụ liên quan; cũng như có liên quan đến tỷ giá); hoặc như chỉ số của Nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng phản ánh kỳ vọng của các lãnh đạo doanh nghiệp trong nhóm ngành sản xuất. Trong hai tháng đầu năm 2024, PMI của Việt Nam đều trên 50 điểm cho thấy những cơ hội kinh doanh đang trở nên rõ nét hơn. Qua đó chúng tôi cũng hi vọng trong năm 2024 thì môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Duy cho biết.

Mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp giảm gánh nặng nợ vay cho doanh nghiệp

Đối với nhóm điều kiện huy động vốn và hỗ trợ chính sách trong những điều kiện huy động vốn và sự hỗ trợ của Chính phủ, yếu tố lãi suất thấp được nhấn mạnh. Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh từ cuối năm 2023 và kỳ vọng trong năm 2024, mặt bằng huy động sẽ tiếp tục giảm. “Các yếu tố vĩ mô và tác động đến mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng, ví dụ như lạm phát, tỷ giá hoặc là thanh khoản của hệ thống ngân hàng…, theo chúng tôi vẫn được duy trì ở phía ngưỡng an toàn và qua đó thì sẽ hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp”, ông Duy nhận định.

Về lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng, sẽ giảm chậm hơn và có độ trễ so với lãi suất huy động. Tuy nhiên nhìn chung yếu tố mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong năm 2024 sẽ giúp giảm gánh nặng nợ vay cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều nguồn vốn hơn so với sự giai đoạn trước.

Đối với nhóm yếu tố liên quan đến đa dạng trong hỗ trợ chính sách của Chính phủ, trong giai đoạn trước năm 2023 và đầu năm 2024, Chính phủ đã đưa ra một loạt các cái gói chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, ví dụ như giảm thuế tăng chi tiêu, tăng đầu tư công và nhóm các chính sách liên quan đến việc cải thiện hành lang pháp lý, đặc biệt các Luật liên quan đến bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng. 

Trong đó, nhóm chính sách liên quan đến đầu tư công theo kỳ vọng của VIS Rating, sẽ tác động mạnh đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. “Năm 2023, giải ngân đầu tư công tăng rất mạnh và kỳ vọng là trong năm 2024, với dư địa còn rất lớn của ngân sách, thì giải ngân đầu tư công tiếp tục duy trì xu hướng tăng và sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng; qua đó thu hút thêm nguồn vốn FDI cũng như là cải thiện với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng triển vọng về môi trường tín nhiệm của năm 2024 sẽ được cải thiện và sẽ giúp cho thị trrường trái phiếu hồi phục dần", các chuyên gia VIS Rating nhận định.

Lê Mỹ

Các tin liên quan