Ngân hàng đấu giá nợ xấu lên tới hàng trăm tỷ, nhưng có lô hàng chỉ vài nghìn đồng

Thời báo kinh doanh - 29/06/2024 4:11:14 CH


Ngoài bất động sản, thời gian qua ngân hàng rao bán, thanh lý, đấu giá nhiều món nợ có tài sản đảm bảo 'độc lạ' như rượu vang, cổ phần, cổ phiếu... Đáng chú ý, giá trị nhiều tài sản có thể lên tới hàng trăm tỷ, nhưng cũng có tài sản được rao bán vài nghìn đồng.

Điển hình như ngân hàng Agribank vừa có thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm 6.923 thùng rượu vang trong đó có 4.534 thùng rượu vang Ý, Pháp, Chile và 2.389 thùng rượu các loại khác, với những thương hiệu nổi tiếng như Dewars, Lodge, William Peel, Highland Queen, Yacht Club).

Tài sản đấu giá thứ hai là 1.500 chai rượu vang Ý Montedeicocci (loại 3 chai hoặc 6 chai/thùng gỗ).

Giá bán khởi điểm của hai tài sản nói trên là 17,046 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mọi chi phí vận chuyển, bốc xếp, và các chi phí khác có liên quan do bên trúng đấu giá chịu.

Lô rượu trên làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Hai Thanh có trụ sở chính tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Một khoản nợ khác cũng khá đặc biệt được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng đều thất bại. Đó là trường hợp của Agribank trong việc xử lý món nợ của Công ty CP sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco (Tracimexco).

Agribank vừa có thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm 6.923 thùng rượu vang, trị giá hơn 17 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, gần 2,5 triệu cổ phần của doanh nghiệp nêu trên được đem đấu giá. Tuy nhiên, việc đấu giá khó suôn sẻ vì doanh nghiệp này đang làm thủ tục giải thể.

Phía ngân hàng cho biết giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Tracimexco đã bị thu hồi theo quyết định số QDTH/10003628 ngày 19-3-2020 của Phòng đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn.

Chưa kể phía công ty này vẫn còn các khoản phải thanh toán như tiền thuê đất và các nghĩa vụ khác phải thanh toán theo bản án, quyết định của tòa án.

"Tracimexco có thể phải thực hiện thủ tục giải thể do giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi, các khoản nợ của công ty với các bên liên quan, các khoản nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính phải thực hiện với cơ quan nhà nước...", ngân hàng cho biết.

Trước đó, Sacombank đã trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước để được chủ động xử lý theo hình thức bán đấu giá lô 32,5% cổ phần STB liên quan đến ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank, trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, tại thời điểm đó, Sacombank đề xuất giá đấu giá khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu STB để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt. Lô cổ phiếu này và kế hoạch đấu giá cũng đã mang đến hiệu ứng giá cổ phiếu STB trong nhiều thời điểm khác nhau kể từ đó đến nay.

Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đặc thù của phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu là giá trị luôn biến động nhanh, liên tục theo thị trường dẫn đến việc định giá, kê biên gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp đã kê biên tài sản, nhưng khi xử lý do biến động thị trường dẫn đến giá trị tài sản tiếp tục thay đổi ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, dẫn đến khiếu nại làm kéo dài quá trình xử lý tài sản.

Ngoài ra, trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo này, cơ quan thi hành án cưỡng chế, bán và đã có người mua số cổ phần/cổ phiếu/phần vốn góp đó thì hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục chuyển giao tài sản sau khi có người mua. Ví dụ, các cơ quan nào sẽ cấp chứng nhận sở hữu cổ phần, phần vốn góp cho người mua được tài sản - trong trường hợp phía người phải thi hành án không hợp tác - cũng đang là một vấn đề vướng mắc trong thực tế hiện nay.

Không chỉ khó khăn trong việc bán các tài sản bảo đảm có giá trị lớn, nhiều ngân hàng cũng gặp vướng mắc trong việc bán các tài sản là khoản nợ xấu có giá trị nhỏ.

Theo thông báo từ VietinBank, ngân hàng này đưa ra danh sách 500 khoản nợ vay tiêu dùng có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng này theo các hợp đồng tín dụng đã ký. Đây là các khoản nợ không có tài sản đảm bảo. Giá trị ghi sổ của các khoản nợ này thấp nhất gần 197.000 đồng và cao nhất là hơn 140 triệu đồng. Tổng giá trị 500 khoản nợ này gần 9,55 tỷ đồng và cũng là giá bán khởi điểm của ngân hàng.

Trong danh sách này, nhiều khoản nợ vay tiêu dùng gồm cả gốc, lãi và lãi phạt lên hàng triệu đồng, nhưng cũng có khoản nợ chỉ hơn 40.000 đồng.

VietinBank bắt đầu "kích hoạt" việc bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ từ năm 2021. Cụ thể, ngày 17/5/2021, ngân hàng này rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị ghi sổ hơn 75,5 triệu đồng gồm: gốc, lãi và lãi phạt.

Hồi tháng 11/2023, VietinBank thông báo bán 300 khoản nợ vay tiêu dùng của cá nhân có tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng. Giá trị ghi sổ nợ gồm nợ gốc, lãi vay và lãi phạt từ 31.000 đồng đến hơn 220 triệu đồng/món vay.

Cuối tháng 3, VietinBank cũng đã từng rao bán hơn 378 khoản nợ vay tiêu dùng của cá nhân để thu hồi nợ với tổng dư nợ hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các khoản nợ có giá trị dưới 100 triệu đồng, thậm chí có khoản nợ thậm chí chỉ hơn 2.000 đồng.

Một lãnh đạo cấp phòng tại một công ty chuyên xử lý nợ xấu cho biết với nhiều tài sản đảm bảo, dù biết khả năng thanh khoản thấp nhưng vẫn phải tiến hành thủ tục rao bán. Theo đó, để làm các bước sau trong quy trình xử lý nợ xấu, rao bán công khai là thủ tục không thể thiếu.

Thanh Hoa-Link gốc

Các tin liên quan