Giá mủ cao su ở Nghệ An trở lại thời hoàng kim

Báo Nghệ An - 12/07/2024 10:28:06 SA


Hơn 1 tháng qua, giá mủ cao su bất ngờ tăng trở lại thời hoàng kim khiến người trồng cao su ở Nghệ An phấn khởi, vì suốt thời gian dài trước đó, giá mủ luôn ở mức thấp.
 
 
Nông dân huyện Nghĩa Đàn phấn khởi khi mủ cao su tăng giá cao. Ảnh: Văn Trường
 
Có mặt tại cánh rừng cao su ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn thấy nông dân cạo mủ cao su khá nhộn nhịp. Ông Lê Văn Nghĩa ở xã Nghĩa Hồng chia sẻ: Gia đình làm gần 2 ha cao su, suốt một thời gian dài hơn 3 năm qua, giá cao su luôn ở mức thấp chỉ đạt từ 15.000 đồng/kg (mủ tươi qua cán), từ đầu tháng 6/2024 giá mủ cao su bỗng tăng cao, trở lại thời hoàng kim đạt trên 23.000 đồng/kg. Với mức giá bán như hiện nay thì người trồng cao su ngoài việc có lãi còn có thêm phần kinh phí để chăm sóc, khai thác.
 
Theo một số hộ dân trồng cao su ở huyện Nghĩa Đàn, việc giá mủ tăng cao nhưng người dân vẫn khai thác theo đúng kỹ thuật, không bằng mọi cách để ép mủ, nhằm đảm bảo cây cao su phát triển bền vững. Tại một số vườn cây cao su trong giai đoạn kiến thiết, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết nắng nóng, một số bà con áp dụng giải pháp truyền thống là sử dụng rơm rạ, cỏ dại… phủ vào gốc cao su, sau đó cuốc đất tủ lên.
 
 
Đóng gói sản phẩm cao su đã chế biến tại Công ty TNHH một thành viên Cà phê - Cao su Nghệ An. Ảnh: Văn Trường
 
Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê - Cao su Nghệ An cho biết: Đơn vị có trên 1.800 ha cao su, tập trung ở thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, trước đây, giá xuống thấp, nhà máy chỉ chế biến được 50 tấn/tháng; gần 1 tháng qua, cao su tăng giá nên nhà máy chế biến đạt trên 300 tấn/tháng. Sản phẩm tồn kho hầu như không có, nhà máy làm không kịp hàng cho các tư thương đến thu mua, cao su chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa và Trung Quốc.
 
Giá mủ cao su trước đây thu mua cho vùng nguyên liệu 15.000 đồng/kg, nay giá dao động từ 21.000 - 23.000 đồng/kg, như vậy, người trồng cao su đã có lãi và yên tâm để chăm sóc vườn cây.
Để quá trình cạo mủ cao su đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ, Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình cạo mủ, đánh giá công tác quản lý, kỹ thuật khai thác, điều hành sản xuất và quản lý sản phẩm đối với các nông trường, bảo đảm nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc vườn cao su đang kỳ thu hoạch.
 
 
Chế biến mủ cao su tại thị xã Thái Hòa. Ảnh: Văn Trường
 
Tại địa bàn xã Tân Phú (Tân Kỳ), một số cánh rừng cao su trước đây phải ngừng khai thác mủ vì thu hoạch không đủ trả chi phí thuê nhân công, nay bà con đang tích cực chăm sóc và khai thác mủ. Anh Trần Văn Tuấn - một lao động đang khai thác mủ cao su thuê chia sẻ: Giá mủ tăng cao, chủ vườn cao su có lãi, chúng tôi cũng có việc làm, cạo mủ cao su đạt thu nhập 300.000 - 400.000 đồng/ngày cũng có thêm tiền trang trải thêm cho cuộc sống.
 
Ông Vũ Hồng Điểm - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Sông Con cho biết: Đơn vị chúng tôi hiện có trên 700 ha cao su, chủ yếu tập trung ở xã Tân Phú, trước đây giá thấp, đơn vị chỉ thu mua từ 10-15 tấn mủ/tháng. Nay giá tăng cao, những ngày qua, nhà máy hoạt động hết công suất, đạt 65 tấn mủ/tháng. Dự kiến trong năm 2024, công ty chế biến tiêu thụ được 350 tấn cao su thành phẩm (tăng hơn năm trước 150 tấn). Giá cao su tăng cao, người trồng cao su ở địa phương rất phấn khởi, qua đó, mạnh dạn chăm sóc, bón phân nhằm mang lại năng suất mùa vụ cao.
 
Ông Nguyễn Văn Thuật - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV 1/5 (Nghĩa Đàn) cho biết: Hiện công ty chỉ còn trên 70 ha cao su ở các xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Vùng nguyên liệu không đáp ứng được cho nhà máy chế biến mủ cao su, đơn vị phải đi mua mủ cao su ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhưng cũng rất khó mua do phải cạnh tranh từ nhiều tư thương khác cũng đến mua.
 
 
Khai thác mủ cao su. Ảnh: P.V
 
Nghệ An là tỉnh có tiềm năng về cây cao su, toàn tỉnh hiện có trên 10.000 ha cao su, tập trung chủ yếu ở các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong, hàng năm sản xuất được khoảng trên 6.000 tấn cao su sơ chế.
 
Tuy nhiên, ngành cao su ở Nghệ An đang gặp những khó khăn, hầu hết thiết bị của các nhà máy chế biến đã đầu tư quá lâu, máy móc cũ kỹ và lạc hậu làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cao su của Nghệ An khi chế biến ra chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một số lô hàng khi xuất bán đi các nước đã bị trả lại, chủ yếu cao su bị lỗi dính tạp chất.
 
Theo các nhà chuyên môn, cao su là loại cây đa mục đích vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân miền núi Nghệ An. Đây cũng là loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.
 
 
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Cà phê - Cao su Nghệ An hướng dẫn nông dân huyện Nghĩa Đàn bón phân chăm sóc cao su. Ảnh: Văn Trường
 
Vì vậy, để cây cao su phát triển theo hướng bền vững, các địa phương cần rà soát, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây. Tập trung thâm canh, nâng cao hiệu quả của những vườn cây hiện có, tái canh trồng mới ở những nơi có triển vọng. Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng cao su như đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông đến người dân trồng cao su, ưu tiên các nguồn vốn vay để người dân có điều kiện chăm sóc đầu tư các vườn cao su.
 
Để đầu ra cao su ổn định, Nghệ An cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tăng giá trị sản phẩm, để nông dân sống được với cây cao su.
 

Các tin liên quan