Giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC là 'không bình thường'

Nhà đầu tư - 15/07/2024 8:56:16 SA


Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng SJC là hiện tượng không bình thường. Vàng miếng có tính thanh khoản cao, tương đương tiền tệ, trong khi vàng nhẫn chỉ mang tính trang sức.

​​​​​​​

Kết phiên giao dịch tuần 14/7, giá vàng nhẫn tròn của các thương hiệu lớn niêm yết quanh mức 75,9 - 77,15 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tăng mạnh theo giá vàng thế giới và vượt giá vàng miếng SJC niêm yết cả chiều mua vào và bán ra (74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng).

Trong khi giá vàng nhẫn biến động mạnh nhiều phiên gần đây, cùng chiều với thị trường thế giới thì giá vàng miếng SJC niêm yết tiếp tục đứng yên. Giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mức 2.425 USD/ounce và đang trong dự báo khả năng cao tăng lên mức 2.500 USD/ounce.

FED có thể hạ lãi suất sớm hơn dự kiến, giá vàng thế giới tăng mạnh sẽ là những yếu tố tiên quyết tác động tới giá vàng trong nước thời gian tới. Điều đó sẽ làm "đau đầu" cơ quan quản lý khi trên thị trường xuất hiện hiện tượng "khan hiếm" đã không chỉ với vàng miếng SJC mà với cả vàng nhẫn trơn. Giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng liệu có bất thường? Sắp tới liệu chúng ta có đưa cả vàng nhẫn vào diện bình ổn giá? Giá vàng miếng SJC có thể thấp hơn giá vàng thế giới (nếu giá vàng miếng SJC tiếp tục đứng yên), vậy chúng ta đã đạt mục tiêu bình ổn thị trường? - là những câu hỏi đang được đặt ra thời điểm hiện tại.

Để có thêm 1 góc nhìn, Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng về vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng. Ảnh: Trọng Hiếu

Ông có đánh giá như thế nào khi vàng nhẫn liên tục tăng và đã vượt giá vàng miếng SJC?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho đây là hiện tượng không bình thường và rất đáng lưu ý.

Không bình thường bởi từ trước đến nay vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng nhẫn vì nó có tính thanh khoản cao, gần tương đương với tiền tệ. Trong khi vàng nhẫn thì khác, là loại vàng trang sức, không phải để tích trữ.

Có thể lý giải việc giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng SJC hiện nay giống như một quả bóng, nếu bóp đầu này thì sẽ phình đầu kia. Khi cơ quan quản lý hạ giá vàng miếng SJC, có thể đạt mục tiêu đưa giá vàng miếng sát với giá vàng thế giới (có thể còn thấp hơn giá thế giới) nhưng cung - cầu vàng miếng không gặp được nhau, tự nhiên nhu cầu vàng nhẫn sẽ tăng.

Cần lưu ý rằng, kéo được giá vàng miếng xuống chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để ổn định thị trường phải là cung cầu gặp nhau. Giá thấp thật nhưng người muốn mua vàng lại không mua được. Điều này là đáng lo ngại.

Trong một nền kinh tế thị trường, nếu không thể mua được vàng miếng giá thấp ở thị trường chính thức, khách hàng sẽ sẵn sàng bỏ giá cao hơn để mua vàng ở thị trường chợ đen.

Vậy theo ông, cơ quan quản lý đã đạt được mục tiêu ổn định thị trường vàng mà trong đó trọng điểm là vàng miếng SJC?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để duy trì ổn định thị trường vàng thì nguồn cung phải đáp ứng sức cầu. Vì vậy, rất khó có thể kết luận thị trường đã ổn định hay chưa, vì giá đã giảm nhưng cung - cầu chưa gặp nhau.

Không những vậy, việc thắt chặt trên thị trường vàng miếng SJC dẫn tới hiện tượng khách hàng lại đổ xô mua vàng nhẫn. Liệu sẽ lại xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ ở thị trường vàng nhẫn? Nếu giá vàng nhẫn cứ tiếp tục tăng, chúng ta cũng sẽ phải nhập khẩu vàng và sẽ vẫn ảnh hưởng tới dữ trự ngoại hối?

Tôi cho rằng, số liệu Hội đồng vàng thế giới cung cấp, mỗi năm chúng ta chỉ cần nhập khẩu vài tỷ USD là con số của quá khứ, không phản ánh được nhu cầu hiện tại. Sẽ có những giao dịch chúng ta thống kê được, có giao dịch không. Nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, có thể chúng ta sẽ không kiểm soát được việc hình thành chợ đen mua bán vàng miếng.

Ông có cho rằng, nếu tiếp tục kéo dài việc kiểm soát giá vàng miếng như hiện nay, về lâu dài sẽ khiến khách hàng quay lưng với sản phẩm vàng miếng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Điều này cũng có thể xảy ra nhưng xác suất không lớn. Suy đoán này dựa trên tâm lý đầu tư của người dân Việt Nam, đặc biệt là người có ít tiền, không am hiểu về thị trường chứng khoán, không đủ tiền đầu tư bất động sản và lãi suất tiết kiệm hiện chỉ 6-7%/năm thì sức thu hút của vàng, với mức lợi nhuận trung bình từ 15-20%/năm là quá lớn. Thói quen đầu tư vào vàng càng khó bỏ trong bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục tăng.

Dĩ nhiên, nếu dùng phương pháp hiện nay có thể xoay chuyển được tâm lý của người dân thì quá tốt nhưng khó khả thi. Ngược lại, nếu người dân chuyển từ đầu tư vàng miếng sang vàng nhẫn thì lại tạo ra rủi ro và hình thành chợ đen trên thị trường vàng miếng.

Chúng ta đang ở ngã ba đường. Khi đã chọn hướng đi theo kinh tế thị trường thì cần theo nguyên tắc cung - cầu, giá mua - bán cũng được quyết định bởi yếu tố này. Còn nếu thị trường chính thức không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thị trường chợ đen đang thành hình, dẫn tới không thể bình ổn thị trường bền vững. Điều này là rất đáng lưu ý.

Ông dự báo thế nào về giá vàng thế giới và trong nước thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: FED đã phát đi thông điệp cho biết, sẽ không còn lệ thuộc vào lạm phát mục tiêu 2%. Vì vậy, có thể FED sẽ tìm cách giảm lãi suất sớm hơn dự kiến. Điều này có thể diễn ra trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Khi FED giảm lãi suất, giá trị đồng đô la sẽ giảm, hỗ trợ giá vàng tăng. Các NHTW trên thế giới vẫn tiếp tục mua vàng vào. Đặc biệt, trong bối cảnh nhóm BRICS (gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Bzaril) đang tìm 1 đồng tiền khác để thay thế đồng USD, họ sẽ giảm dự trữ quốc gia được định nghĩa bằng đô la và tăng dự trữ vàng trong rổ dự trữ quốc gia.

Tất cả những điều trên đưa tới dự báo vàng sẽ tăng giá. Cộng với các xung đột địa chính trị vẫn còn tiếp tục có thể đẩy giá vàng lên. Khả năng giá vàng thế giới có thể đạt 2.500 USD/ounce trong năm nay và có thể đạt 3.000 USD/ounce trong năm 2025.

Giá vàng trong nước sẽ tăng theo giá vàng thế giới. Điều này tạo thêm áp lực cho cơ quan quản lý. Vàng miếng đang được kiểm soát, vậy khi vàng nhẫn tăng mạnh thì có cần bình ổn giá?

Xin trân trọng cảm ơn ông!

N. Thoan-Link gốc

Các tin liên quan