Tiền nhà băng ‘rẻ’, nhưng vẫn xa tầm với của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Thời báo kinh doanh - 15/07/2024 11:42:07 SA


Nguồn vốn ngân hàng dồi dào, lãi suất cho vay đang thấp, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiểu thương vẫn khó tiếp cận được. Nguyên nhân là bởi, doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp, phương án kinh doanh chưa thật sự bài bản, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng.

TS. Hoàng Văn Ninh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả tiểu thương) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song họ đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn. Theo ước tính, chỉ khoảng 30% tiểu thương có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và tổ chức tài chính chính thức, 70% còn lại gặp khó do yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục phức tạp.

Vướng mắc tài sản thế chấp

Chị Thu Quỳnh, chủ một cơ sở da giày nhỏ ở Hà Nội, cho biết cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hiện xa tầm với của cơ sở. “Nhìn chung, lãi vay hiện đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, các ngân hàng đều yêu cầu tài sản thế chấp. Trong khi tài sản là đất đai, nhà xưởng được ngân hàng định giá rất thấp nên không còn vay thêm được nữa”, chị Quỳnh nói. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng tăng trở lại, nên chị vay mượn tiền từ người thân, bạn bè để trả lương công nhân, cố gắng vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nhưng lại khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Thời gian gần đây, khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững, nhiều ngân hàng đã đặc biệt chú trọng xây dựng các gói cho vay dành riêng cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với cơ chế linh hoạt và nhiều ưu đãi phù hợp.

Điển hình, Vietcombank dành khoảng 20% danh mục cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả tiểu thương. Điều này cho thấy, ngân hàng này nhận thức được tầm quan trọng của tiểu thương. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn này, tiểu thương phải đối mặt với không ít yêu cầu và điều kiện khắt khe, nhất là về tài sản thế chấp.

VPBank cũng đã tiên phong xây dựng hệ thống, nguồn lực để đẩy mạnh cho tiểu thương vay tín chấp, nhưng sau đó phát triển quy mô không được như kỳ vọng do các vấn đề liên quan đến rủi ro tín dụng, chất lượng danh mục chưa thể được quản lý một các tối ưu và hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính như FECredit, EVNFinance, SHBFinance đều có nhóm sản phẩm cho vay tiểu thương tín chấp với điều kiện vay vốn yêu cầu thủ tục đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, song còn rất nhiều thách thức liên quan lãi suất cao và chất lượng danh mục.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được vay vốn ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với lãi suất từ 1,2 cho vay ngắn hạn, trung hạn là 4,4%/năm, và dài hạn là 4,4%/năm.

Mặc dù mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tiểu thương hiện nay khá thấp, song số lượng khách hàng tiếp cận vốn vay thông qua ngân hàng, quỹ và các công ty tài chính tiêu dùng rất ít.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi đa số các doanh nghiệp siêu nhỏ có khởi điểm là hình thức kinh doanh tự phát, cá nhân, hộ gia đình mở cửa hàng buôn bán nhỏ, phương án kinh doanh chưa thật sự bài bản, nguồn tài chính tự có của doanh nghiệp còn ít ỏi, tài sản thế chấp không đủ để vay vốn lớn. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp còn tâm lý e ngại vì lãi suất ngân hàng cao, thủ tục vay vốn phức tạp.

Khơi thông dòng vốn cần cả hai phía 

Các ngân hàng cho biết, ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Do đó, các ngân hàng không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

"Các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay, như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo, là yêu cầu không thể giản lược, bởi theo các quy định trong việc quản trị rủi ro mà các nhà băng phải tuân thủ", lãnh đạo một ngân hàng cho hay.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn cả trong, ngoài nước đã và đang gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là nợ xấu đang có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng.

Theo dữ liệu Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước đây.

Nợ xấu ngành ngân hàng vẫn là mối lo, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, song ngân hàng cũng phải trích dự phòng lớn, tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh trong năm.

Trước nhu cầu cao về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn và các nhu cầu tín dụng khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, VietinBank cho hay: "Với khách hàng tham gia SME Symple, chúng tôi chỉ cần một số loại hồ sơ như đăng ký kinh doanh, liên quan hồ sơ về pháp lý, về nhân thân liên quan đến chủ doanh nghiệp - những hồ sơ có sẵn mà bản thân doanh nghiệp nào cũng có. Ngoài ra là liên quan đến hồ sơ về tài sản bảo đảm, về giấy phép kinh doanh với một số ngành hàng đặc thù mà pháp luật yêu cầu". Từ đó, ngân hàng sẽ xem xét cho vay vốn lưu động ngắn hạn, kỳ hạn vay linh hoạt hoàn toàn phù hợp phương án kinh doanh cũng như nhu cầu thực tiễn của khách hàng.

Bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong kinh doanh; tăng cường sự hỗ trợ từ các nền tảng fintech, như hợp tác với các công ty fintech để cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, giúp tiểu thương tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời giảm bớt rủi ro từ các hình thức tín dụng đen.

Huyền Anh-Link gốc

Các tin liên quan