Doanh nghiệp bảo hiểm đã qua thời khủng hoảng?

Thời báo kinh doanh - 07/03/2024 9:53:08 SA


Thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, điều này được thể hiện qua con số tổng thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 2/2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong năm 2023, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm nhẹ 8% so với năm 2022.

Số liệu mới cho thấy thị trường bảo hiểm đã phần nào ổn định trở lại sau hàng loạt lùm xùm, khủng hoảng trong năm ngoái.

Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, thượng tôn pháp luật”, ông Trung nói.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã tăng cường hoạt động thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến kinh doanh bảo hiểm như: sửa đổi các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số… 

Đồng thời, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài chính, tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp bảo hiểm; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý chất lượng đại lý.

Trong năm nay, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng khẳng định sẽ quyết tâm lấy lại niềm tin của khách hàng. Ông Bae Seung Jun - Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam chia sẻ rằng, Shinhan Life luôn có niềm tin thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ sớm phục hồi và tiếp tục phát triển thời gian tới. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tập trung hơn vào chất lượng, hướng đến việc tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp, có nền tảng tốt.

“Tôi cho rằng, chỉ khi được tư vấn kỹ lưỡng bởi đội ngũ tư vấn tài chính có năng lực và hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm, khách hàng mới có thể yên tâm với giải pháp tài chính phù hợp nhất. Từ đó, bảo hiểm nhân thọ mới phát huy giá trị đích thực và người dân sẽ có thêm niềm tin với bảo hiểm”, ông Bae Seung Jun nhấn mạnh.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, sau những sự việc diễn ra với ngành bảo hiểm nhân thọ trong năm qua, việc đổi mới để đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp nhằm củng cố niềm tin của khách hàng là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố sống còn với các doanh nghiệp trong ngành và Manulife Việt Nam tiên phong trong nỗ lực đổi mới này. Sau thành công với M-Pro, Manulife Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến đổi mới khác trong thời gian tới nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Thanh Hoa

Các tin liên quan